Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012


Thứ ba, ngày 06 tháng ba năm 2012


Tác giả cổ ở Chí Linh (3)


                              Trần Khánh Dư  
                                        (?-1339)                                                                   
            Trần Khánh Dư là con Thượng tướng Trần Phó Duyệt.Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ nhất (1258), lợi dụng sơ hở của địch, đang đêm, Trần Khánh Dư đã bất ngờ tập kích vào trại giặc ở Đông Bộ Đầu, mở màn cho cuộc phản công của quân ta buộc địch phải rút lui tháo chạy về nước. Nhân có công này,Trần Khánh Dư  được vua Trần Thái Tông nhận làm con nuôi và phong chức Phiêu kỵ tướng quân, tước Thượng vị hầu.
            Sau do mắc lỗi, Trần Khánh Dư bị triều đình giáng xuống cho làm dân thường, phải về châu Chí Linh làm nghề bán than kiếm sống. Trước cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ hai, nhân hội nghị Bình Than (1282), Trần Khánh Dư được vua Trần Thái Tông gọi đến, cho khôi phục tước cũ và phong chức Phó đô tướng quân.
            Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ ba (1287),Trần Khánh Dư được giao nhiệm vụ trấn giữ vùng biển Đông Bắc, nhưng Khánh Dư đã không chặn nổi thủy quân của giặc, để chúng qua được cửa An Bang tiến vào Vạn Kiếp. Thượng Hoàng được tin, sai trung sứ (sứ của nhà vua cử ra ngoài) xiềng Khánh Dư giải về kinh trị tội. Trần Khánh Dư nói với trung sứ rằng: “Lấy quân pháp mà xử tôi xin cam chịu tội, nhưng xin khất lại ba ngày để lập công rồi về chịu búa rìu cũng chưa muộn”.
            Trung sứ theo lời. Trần Khánh Dư bèn thu thập tàn quân phục kích chờ đánh đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ đi sau. Tưởng quân ta đã bị đánh bại, nên quân giặc chủ quan không đề phòng, bị quân mai phục của Trần Khánh Dư xông ra diệt gọn. Trương Văn Hổ phải lên thuyền nhẹ vội vàng tháo chạy về đẩo Hải Nam để thoát thân. Trận ấy quân ta thu được nhiều lương thực khí giới và bắt tù binh nhiều không kể xiết. Chiến thắng này của Trần Khánh Dư đã góp phần đáng kể vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ ba của quân dân nhà Trần.
            Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Trần Khánh Dư mất vào năm 1339.
            Không rõ thời gian Trần Khánh Dư sống ở Chí Linh nhiều ít thế nào, nhưng tên tuổi và dấu tích của ông thì mãi mãi gắn liền với mảnh đất này, với đền Gốm, với “Nhạn Loan cổ độ” và với tên một xã của thị xã Chí Linh: xã Nhân Huệ. Trần Khánh Dư ít trước tác, nhưng còn để lại một bài tựa cuốn Vạn Kiếp tông bí truyền thư của Trần Quốc Tuấn. Vạn Kiếp tông bí truyền thư của Trần Quốc Tuấn tuy đã thất truyền nhưng qua lời tựa của Trần Khánh Dư ta vẫn có thể hình dung ra được nội dung và những khác biệt của nó so với Binh thư yếu lược. Qua lối nghị luân vừa khác lạ vừa sắc sảo của Trần Khánh Dư ta còn thấy ông chẳng những là một người có kiến thức sâu rộng về quân sự còn có đầu óc thông minh, linh hoạt . Có lẽ nhờ những phẩm chất này mà ông đã chuyển bại thành thắng trong trận Vân Đồn (1287).
Sau đây là bản dịch bài tựa ấy của ông:

               Bài tựa cuốn Vạn Kiếp tông bí truyền thư
           
            Phàm người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không cần phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết. Ngày xưa Cao Dao làm sĩ sư mà người ta không dám trái mệnh, vua Vũ Thành nhà Chu 1 làm văn vũ sư, ngấm ngầm sửa đức để lật đổ nhà Thương mà dấy nghiệp vương, thế là người giỏi cầm quân không cần bày trận vậy. Vua Thuấn múa mộc và lông trĩ mà họ Hữu Miêu tự phải đến, và Tôn Vũ 2nước Ngô mang mĩ nhân trong cung thử tập trận  mà phía Tây phá nước Sở mạnh, phía Bắc làm sợ nước Tần, nước Tấn, nổi tiếng với chư hầu, thế là người giỏi bày trận không cần phải đánh vậy. Đến Mã Ngập 3 nước Tấn theo đồ bát trận, chuyển đánh nghìn dặm, phá được Thụ Cơ Năng mà lấy được Lương Châu thế gọi là người đánh giỏi không bao giờ thua vậy.Cho nên “trận” có nghĩa là “bày ra”, là “khéo léo”. Ngày xưa Hiên hoàng đế lập phép tỉnh điền để đặt binh chế, Gia cát Lượng xếp đá sông để làm đồ bát trận, Vệ Công 4 sửa lại làm trận Lục hoa, Hoàn ôn đặt trận Xà thế, có đồ bày ra thứ tự, thành pháp rành rành.Nhưng người đương thời ít người hiểu được, muôn đầu nghìn mối, chỉ thấy rối ren, chưa từng biến đổi, như Lý Thuyên 5 định phép suy ra, đời sau không ai hiểu nghĩa là gì. Cho nên Quốc công ta mới so sánh đồ bản và phương pháp của các nhà, chép thành một tập, tuy chép cả những việc nhỏ nhặt, nhưng người dùng thì nên bỏ bớt chỗ rườm, lược lấy thực chất, rồi lấy năm hành cảm ứng với nhau, chín cung 6 cân nhắc với nhau, cương và nhu phối hợp với nhau, chẵn và lẻ quanh vòng với nhau, không lẫn âm với dương, thần với sát, phương lợi sao tốt, thần hung tướng ác, ba cát năm hung, đều rõ rệt cả, thêm bớt Tam đại, trăm trận đều thắng, cho nên đương thời có thể phía Bắc làm Hung Nô phải sợ, phía Tây làm Lâm Âp phải kinh.Mới lấy sách này dạy bảo con em làm gia truyền, không tiết lộ cho người ngoài biết. Lại có câu dặn rằng: “Sau này con cháu và bồi thần của ta có học được lý thuyết này, thì nên lấy lòng sáng suốt mà thi hành bày xếp, không nên lấy ngu tối mà dạy truyền, trái thế thì mình phải chịu tai ương   mà vạ lây đến cả con cháu. Thế gọi là tiết lộ cơ trời vậy”.
                                                           
                                     (Theo Đại Việt sử ký toàn thư)

            Chú thích:
           1.Vua Vũ Thành…: tức vua Vũ vương và Thành vương nhà Chu.
        2.Tôn vũ : đời Xuân Thu, Tôn Vũ người nước Tề làm tướng cho Ngô vương Hạp Lư, lấy 80 người cung nhân của Hạp Lư chia làm hai đội, đặt ra đội trưởng để diễn trận giả cho Hạp Lư xem.
        3.Mã Ngập: sách Tấn thưLiệt truyện chép là Mã Long
        4.Vệ công: tức Lý Tĩnh đời Đường Thái Tông, phỏng theo Bát đồ trận của Gia Cát Lượng làm ra trận Lục hoa, trận lớn bọc trận nhỏ, doanh lớn bọc doanh nhỏ, gọi là Lý Vệ công binh pháp.
      5.Lý Thuyên: người đời Đường, làm sách Thái Bạch âm kinh nói về mưu chước hành quân.
       6.Chín cung: phép tính xưa của người Trung Quốc.

7/3/2012
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét