Chủ nhật, ngày 05 tháng hai năm 2012
Huyền Quang và Điểm Bích
Câu
chuyện vua Anh Tông cho nàng Điểm Bích vào “ghẹo” để thử lòng chân tu
của nhà sư Huyền Quang được nhiều sách cổ ghi chép và người đời truyền
tụng. Trong Truyện truyền kỳ Việt Nam có câu chuyện Sư chùa núi Yên Tử thì kể rằng:
Núi Yên Tử ở Đông Triều, còn có một tên nữa là núi Voi, nơi đắc đạo của An Kỳ Sinh 1 đời Hán. Sách Hải nhạc danh sơn đồ
thời Tồng ghi: Núi này là nơi phúc địa thứ tư; lại phụ chép truyện
truyền kỳ rằng: Triều Trần, có sư Huyền Quang, họ Lý, tên Đạo Tái, là
thầy chùa núi Hoa Yên, vốn nổi tiếng là người đạo hạnh tốt. Vua Minh
Tông rất kính trọng, ban thưởng cho mười lạng vàng. Sau nhà vua sai cung
nữ Nguyễn Thị Bích tới thử. Lúc sắp đi còn dặn:
-Phải lấy bằng được chỗ vàng đã cho về làm tin.
Nàng vâng lời.
Vào lúc nhá nhem, Thị Bích đến tăng phòng xin ngủ nhờ. Nhà sư không
biết nàng là cung nữ, nhưng cũng từ chối hết sức nghiêm.. Thị Bích lựa
lời cầu khẩn đến hai ba lần. Bất đắc dĩ sư phải cho thị ngủ nhờ ở mé
ngoài buồng.
Đến khoảng canh ba, ngoài trời trăng sáng vằng vặc, gió thông xào xạc
mái hiên, sư trằn trọc không ngủ được, bèn bước ra ngoài thềm. Chợt thấy
Thị Bích hé vén quần lụa để hở làn da trắng nõn, chẳng đành nhà sư phải
quay đi. Thế rồi trăng khuya cứ lặn thấp dần, bóng trúc đã xòa ngang
cửa, sư bèn trở lại chỗ nàng ngủ. Tới nơi thì mảnh quần hồng của người
con gái đã trễ xuống hết cả. Thế là lòng thiền chấn động không thể kìm
giữ được nữa, sư ứng khẩu một bài thơ Nôm tuyệt cú, trong đó có câu nói
rằng đến ngay như phật Thích Ca cũng còn chưa thể dứt tình. Rồi sư xáp
đến trêu ghẹo, người con gái kiên quyết chống cự không nghe. Lửa dục bốc
ngùn ngụt, sư liền đem hết số vàng vua ban làm quà tặng cho Thị Bích để
được ân ái với nàng.
Sáng hôm sau Thị Bích về triều đem vàng trình vua.
Nhân việc đó, vua liền mở hội đàn tràng, xung quanh dùng toàn lụa vàng
làm màn trướng. Rồi mời sư lên đàn làm lễ. Trông thấy toàn lụa vàng sư
kinh hãi nói:
- Lụa nhuốm sắc vàng ý là chỉ vào ta đó 2.
Vua sai đem bài thơ Nôm sư làm đêm trước đến để làm chứng cho việc “tham thiền”. Nhà sư ứng khẩu đọc luôn:
Tam thập lục kinh vô thác ngữ,
Thử tình kham tiếu diệc kham bi.
Thế gian tam sự nan trừ liễu,
Hảo bả, phì dương, nộn nữ nhi.
(Ba sáu pho kinh đã làu thông,
Dẫu cười,xin cũng thấu cho lòng.
Thế gian ba thứ chừa không dễ,
Gái trẻ, dê non, với rượu nồng.)
Băng Thanh dịch
Ngưới sau có thơ rằng:
Giảng đường chung tĩnh dạ thiều thiều,
Thùy liễu nga mi bán tịch liêu.
Sắc dục bất tri hà xứ hỏa,
Thiền lâm giác đắc nhất thời thiêu.
(Khuya khoắt nhà tu chuông lặng rồi,
Ai ngờ người ngọc đến trêu ngươi.
Lửa tình chẳng biết từ đâu bốc,
Một phút Thiền lâm cháy ngút trời.)
Băng Thanh dịch
Và một bài nữa:
Đa đa trần lự ái đào thiền,
Độc túc sơn phòng kỷ hử niên.
Nhất tự tố tăng kinh nhiếm sắc,
Tào khê vô thủy tấy hoàng quyên.
(Ngổn ngang tục lụy lánh vào Thiền,
Riêng ẩn rừng sâu mấy chục niên.
Một dải lụa trong thôi đã ố,
Tào khê không nước rửa hoàng quyên.3)
Lại Văn Hùng dịch
Chú thích:
1-An kỳ sinh: tương truyền là một vị tiên.
2-Lụa nhuốm sắc vàng: có nghĩa là lụa vàng, chữ Hán là “hoàng quyên” nói lái thành Huyền Quang, tên của nhà sư.
3-Cuối bài thơ này, tác giả còn chép thêm một truyền thuyết khác khẳng
định Huyền Quang là đoan chính, nhóm biên soạn lược bớt vì về cơ bản nó
giống với truyện “Sư tổ Huyền quang”, số 4, tập I
Còn trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam kể lại còn li kỳ hơn nhiều:
Lại
nói chuyện Huyền Quang hôm ấy nghỉ tại một thiền trai cất trên một ngọn
đồi cách viện Trúc lâm chừng vài dặm. Đấy là một gian nhà nhỏ rất tĩnh
mịch mà vua sai xây cho chàng để nghỉ ngơi sau những ngày giảng kinh mệt
nhọc. Vào khoảng tắt mặt trời, chú tiểu đưa vào một cô gái vẻ mặt hốt
hoảng nhợt nhạt, áo xống tơi tả.
-Bạch thầy, người này bị cướp đuổi vừa gọi vừa kêu cứu.
Đó
là Điểm Bích, lúc này đã cải trang thành một cô gái quê mùa. Nàng khóc
sướt mướt, một hai xin nhà chùa cho nghỉ trọ đêm nay. Nàng bịa ra câu
chuyện bị côn đồ đuổi và phải vất vả chạy trốn như thế nào làm cho
Huyền Quang không thể từ chối được. Cuối cùng theo lệnh của chàng, chú
tiểu sắp xếp cho Điểm Bích một chỗ nghỉ ở phía ngoài thiền trai.
Sự
việc vừa xảy ra làm cho Huyền Quang thấy trong lòng không được yên
tĩnh. Chàng để cho chú tiểu đi nghỉ, rồi giở quyển kinh ra tụng niệm mãi
cho tới khuya. Sắp sửa đặt lưng xuống giường, chàng bỗng nghe tiếng
rên rỉ của người đàn bà. Chàng lại phải đánh thức chú tiểu dậy xem thử
thế nào. Khi nghe nói người đàn bà muốn xin được vào nằm phía trong
thiền trai, vì ở ngoài không ngăn được sự sợ hãi, Huyền Quang lấy làm
bối rối. Nhà thì hẹp chỉ có ba gian, nhân thân chỉ có hai thầy trò; các
tăng chúng đều ở xa không tiện gọi.
Suy
nghĩ giây lát, Huyền Quang bất đắc dĩ cho người đàn bà vào ở chỗ tiếp
khách, còn mình thì lui vào trai phòng khóa cửa lại. Nhưng vừa chợp đi
được một lúc, đã lại nghe tiếng rên rỉ ở phía ngoài. Chàng lại ngồi dậy
cầm lấy tràng hạt và quyển kinh. Nhưng khi bước ra khỏi trai phòng,
qua ánh đèn dầu le lói, chàng đã thấy người đàn bà nằm lõa lồ trên bộ
ván. Chàng bước vội trở vào và quyết định ngồi trên giường tụng niệm
cho tới sáng để tránh sự cám dỗ. Không ngờ giữa lúc tiếng tụng niệm cất
lên, thì Điểm Bích từ phòng ngoài chạy vào, sán lại ngồi bên cạnh chàng,
nói những câu cảm ơn nhưng lại xen vài lời khêu gợi.
Biết người đàn bà này đến đây có mục đích không lương thiện, Huyền Quang liền nghiêm nét mặt lại:
-A-di-đà Phật. Nàng là ai? Tại sao lại tìm vào đây để quấy rối người tu hành? Nếu không mau mau cải tà quy chính, ta sẽ hô hoán lên cho mọi người đến cầm lá dắt ra khỏi tu viện.
Thấy Huyền Quang không phải là hạng người đễ quyến rũ, Điểm Bích đành
phải thay đổi thái độ. Nàng chuyển sang bộ mặt rầu rĩ và bịa ra câu
chuyện để gợi lòng trắc ẩn.
-Thiếp vốn là con nhà thế phiệt. Bố thiếp làm quan một huyện ở vùng
biển. Mùa tháng năm vừa rồi nhân đi thu thuế được ba nghìn quan, cho
dân phu tải về kinh. Không ngờ bị bọn cướp đường lấy mất cả. Quan trên
thương tình cho khất đến cuối năm. Hiện nay bố thiếp đã thu góp tư
trang mới được chừng một nửa. Bởi vậy thiếp phải đi khắp đó đây xin các
nhà từ thiện kẻ ít người nhiều để bù vào số thiếu. Hôm nay đánh bạo
đến đây định xin hòa
thượng
rủ lòng thương xót quyên cấp cho ít nhiều. Nhưng thấy cảnh chùa tôn
nghiêm, nếu nói thật chưa chắc đã được, vì vậy phải dùng mẹo nhỏ để
gặp hòa thượng, sau đó mới tỏ bày mục đích. Dám xin hòa thượng mở
lượng hải hà cứu vớt lấy bố thiếp và cả nhà thiếp. Thiếp nguyện đem
thân nữ tỳ hầu hạ suốt đời.
Nghe nàng sụt sịt kể, Huyền Quang không ngăn được cảm động. Chàng vội trả lời:
-Nàng đừng có lo lắng gì cả. Ngày mai ta sẽ tiến triều, tâu với vua xin tha tội cho cha nàng.
Sợ Huyền Quang về triều thì việc của mình không đạt, Điểm Bích lại nói:
-Bạch hòa thượng, việc của bố thiếp còn may là chưa đến tai Thánh
thượng.
Hòa thượng về tâu giúp cho thật là công đức vô biên, nhưng thiếp
không muốn vì việc nhà thiếp làm phiền hòa thượng phải xuống núi nhọc
sức.
Huyền Quang sực nhớ tới mời nén vàng của vua còn bày ở trai phòng. Chàng vội lấy ra cho người đàn bà mà rằng:
-Ta biếu nàng tất cả, Nàng đem về mà chuộc tội cho cha !
Lại nói chuyện trở về cung, Điểm Bích liền đưa nộp mười nén vàng và
tâu dối với vua rằng mình đã cám dỗ được con mồi. Để vua tin, nàng còn
đọc lên một bài thơ yêu đương nói là của Huyền Quang đã ngâm tặng mình
trước khi phá giới:
Vằng vặc trăng mai ánh nớc,
Hiu hiu gió trúc ngâm sênh.
Ngời vừa tơi tốt, cảnh vừa lạ,
Mâu Thích Ca nào chẳng hữu tình.
Nghe xong câu chuyện và nhìn thấy mấy nén vàng, nhà vua thở dài hối hận:
-Chao ôi. Bậy quá! Ta đã làm hại một vị tu hành trẻ tuổi. Tự dưng vô
cớ đi gài bẫy, nhất định con chim khó có thể tránh được. Biết làm thế
nào bây giờ?
Nghe nói thế một viên quan ghé vào tai vua hiến kế:
-Tâu bệ hạ xin bệ hạ cho thiết lập một lễ cúng phật dọn toàn cỗ mặn rồi
mời thày về làm lễ. Nếu quả là thày còn trong sạch thì chư phật sẽ độ
cho cỗ mặn hóa ra chay, nhược bằng đã hư hỏng rồi thì chẳng bao giờ
được độ.
Vua cho là phải, bèn hạ lệnh cho gọi Huyền Quang về triều để chàng làm
một lễ chay trọng thể vào dịp rằm tháng bảy sắp tới. Vua còn bắt quân
hầu dựng một đàn tràng nguy nga, các rạp đều trần trướng bằng lụa hoàng
quyên. Trái hẳn với tục lệ nhà chùa, hôm bước vào chính lễ, vua ra
lệnh cho giết bò và lợn, dọn toàn cỗ mặn.
Khi sắp bước vào rạp, Huyền Quang nghĩ nhà vua có ý làm nhục mình. Các
môn cỗ mặn tanh tưởi bày trên đàn kia nếu không phải là một sự xỉ vả
thì còn gì nữa? Lụa hoàng quyên nói lái lại rõ ràng ám chỉ hai tiếng
“Huyền Quang”. Chàng bèn ngửa mặt lên trời lớn tiếng khấn:
-Kẻ đệ tử này nếu có điều gì bất chính, xin chư Phật cho đầy xuống A
tì địa ngục, còn nếu không, thì xin cho những cỗ mặn kia hóa thành chay
tất cả!
Tự nhiên một trận gió lớn nổi lên, cát bụi mù mịt, trời đất tối sầm cả
lại. Một chốc gió tan, mọi người nhìn lên đàn tràng thì,, lạ thay, tất
cả những mâm cỗ mặn đều biến thành cỗ chay tinh khiết thơm tho, mọi mùi
tanh tưởi đều đã bị quét sạch từ bao giờ. Huyền Quang thủng thỉnh bước
lên đàn tràng giữa tiếng reo hò của chúng tăng và mọi người. Vua Anh
Tông được tin, lập tức ra lệnh bắt Điếm Bích tra hỏi cho ra sự thật.
Biết là bại lộ, người cung nữ ấy cúi đầu nhận hết tội lỗi. Vua truyền
bắt Điểm Bích bỏ ngục để chờ ngày phán xử, rồi xa giá đến gặp Huyền
Quang tạ lỗi. Câu nói đầu tiên của Huyền Quang là xin vua tha tội cho
Điểm Bích.
(Theo Kho tàng truyện Cổ tích Việt Nam-Nguyễn Đổng Chi)
6/2/2012
Đỗ Đình Tuân
(Tuyển chọn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét