Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

NỖI LO NGƯỜI TÂM THẦN GÂY ÁN...


Nỗi lo người tâm thần gây án

TT - Trong năm 2011 vừa qua, liên tiếp xuất hiện các vụ án mạng, trong đó hung thủ là người bệnh tâm thần. Họ không phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng câu hỏi về sự an toàn cho xã hội vẫn còn bỏ ngỏ.

>> Cha mẹ và hai con cùng bị tạt axit
>> Khởi tố, bắt tạm giam kẻ tưới xăng đốt cha
>> Oan nghiệt của một 'Lục Vân Tiên' nghèo


Một người tâm thần ngủ qua đêm trên hè phố Trần Bình Trọng, Hà Nội - Ảnh: Châu Anh
Bác sĩ La Đức Cương, giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1, kể một số vụ án thương tâm, trong đó có vụ Nguyễn Văn Mạnh (ở Ứng Hòa, Hà Nội) dùng giấy ướt chặn đường thở giết vợ và hai con nhỏ cuối tháng 9-2011. Trước đó, hôm 16-8-2011, bệnh nhân Vũ Tiến Thành ở Phú Xuyên, Hà Nội vốn bị rối loạn tâm thần do uống rượu quá nhiều đã đến khám tại Bệnh viện Tâm thần T.Ư và được khuyên nhập viện, nhưng cả hai vợ chồng bệnh nhân đều từ chối. Chiều cùng ngày, Thành đã chém chết vợ và hai con tại nhà vì không kiểm soát được hành vi. “Tôi đã thấy bất thường ngay từ lúc cả hai vợ chồng bệnh nhân từ chối nhập viện, nhưng không ngờ sự việc xảy ra quá nhanh” - ông Cương nói.
Mối lo... người tâm thần khỏi bệnh
Tháng 10-2011, cả xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn đều kinh hãi bởi Hà Văn Pẩu, bệnh nhân tâm thần từng giết hại và ăn thịt trẻ con năm 2008, được... khỏi bệnh về nhà, sau ba năm điều trị tại Viện Giám định pháp y tâm thần T.Ư. Thuộc diện bắt buộc điều trị, Pẩu chỉ được ra viện khi có người nhà tiếp nhận, nhưng cả hai người anh em của Pẩu lại chối đây đẩy vì họ lam lũ cả ngày ngoài đồng ruộng, không thể trông giữ anh. Bệnh viện cho là đã điều trị ổn định cho Pẩu, nhưng ngoài cộng đồng ai cũng lo sợ.
Gia đình từ chối, dân làng hoang mang, cuối cùng giải pháp tạm thời là chính quyền phối hợp với gia đình đưa Pẩu... trả lại bệnh viện. Ông La Đức Cương than thở bệnh viện - nơi Pẩu được chuyển đến - không phải là nơi điều trị cho Pẩu trước đây, quy chế về điều trị bắt buộc mới chưa có thông tư hướng dẫn, rất khó khăn về kinh phí và tính pháp lý, nhưng rồi ông vẫn quyết định nhận điều trị tạm thời cho Pẩu thêm hai tháng. “Với liều điều trị duy trì, bệnh nhân Pẩu đang có sức khỏe ổn định và hiện đã hết thời hạn hai tháng, nhưng do hiện nay không ai đến đón về nên tạm thời chúng tôi vẫn để bệnh nhân ở lại” - ông Cương nói hôm 30-1.
Theo ông Cương, bệnh nhân thuộc nhóm bắt buộc chữa bệnh như Hà Văn Pẩu cần quy định đặc biệt, chẳng hạn chỉ được cho ra viện nếu cơ quan trưng cầu (thường là viện kiểm sát, tòa án, công an) cho phép, có sự chấp thuận của người nhà. Mặt khác, nếu để những người như vậy ở bệnh viện mãi thì chi phí điều trị do bên nào chi trả cũng chưa có hướng dẫn cụ thể. Trong khi bệnh nhân tâm thần dù đã được điều trị ổn định vẫn có nguy cơ tái phát, có thể có lúc gây nên hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Thiếu giường bệnh
Theo tính toán của Bộ Y tế, hiện bình quân toàn quốc có 12 giường bệnh/100.000 dân cho bệnh nhân tâm thần. Nếu tính cả số giường bệnh dành cho bệnh nhân tâm thần đã được điều trị ổn định, cần duy trì quản lý tại các trung tâm của ngành lao động - thương binh và xã hội thì tổng số có trên 19 giường/100.000 dân, trong khi yêu cầu tối thiểu phải có 30 giường bệnh/100.000 dân cho bệnh nhân tâm thần. Điều này cho thấy hiện trạng thiếu giường bệnh là rất bức xúc. Thông thường nếu bệnh nhân đã được điều trị ổn định, có gia đình đón về thì bệnh nhân sẽ được về, trong khi người nhà thường không đủ kiến thức hỗ trợ tâm lý, theo dõi thời điểm người bệnh bộc phát bệnh trở lại.
Theo bác sĩ Cương, gia đình có người thân có biểu hiện rối loạn tâm lý, cảm xúc, hành vi... rất cần đưa người nhà đến bệnh viện điều trị. Ông Cương cũng cho biết xu hướng chung hiện nay là cộng đồng hóa, đưa người bệnh tâm thần đã được điều trị ổn định về địa phương. Hiện mới có 8.000 xã có thể quản lý điều trị người bệnh tại cộng đồng, còn 4.000 xã chưa quản lý được. Tuy nhiên, theo quy chế và khả năng tài chính hiện nay thì bệnh nhân tâm thần được điều trị ổn định sẽ phải cho ra viện. Như trường hợp của Hà Văn Pẩu là trường hợp rất đặc biệt mới được điều trị tại bệnh viện đến hơn ba năm.
LAN ANH

Nhà nước không chịu trách nhiệm
Theo quy định pháp luật, khi người mắc bệnh tâm thần bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì cha, mẹ, vợ, chồng hoặc con của người đó sẽ trở thành người giám hộ đương nhiên. Trường hợp người mắc bệnh tâm thần không có người giám hộ đương nhiên thì UBND xã, phường, thị trấn nơi người bệnh cư trú có trách nhiệm cử hoặc đề nghị người giám hộ.
Người giám hộ được cử có thể là người thân thích như anh chị em hoặc ông bà của người mắc bệnh tâm thần nhưng phải được sự đồng ý của người được cử (nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27-12-2005). Trong trường hợp không cử được người giám hộ, UBND có thể đề nghị một tổ chức chính trị xã hội (hội liên hiệp phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên...) làm giám hộ. Như vậy, mặc dù người mắc bệnh tâm thần hay một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 13 Bộ luật hình sự, nhưng nếu người giám hộ không chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì phải chịu trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại do người mắc bệnh gây ra. Tài sản dùng để bồi thường thiệt hại là tài sản của người bệnh, nếu người bệnh không có tài sản hoặc không đủ tài sản thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình (điều 606 Bộ luật dân sự).
Đối với cơ sở khám chữa bệnh tâm thần, nếu không đáp ứng quy định phải có số giường bệnh tối thiểu và từ chối tiếp nhận người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh đó phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại do người mắc bệnh gây ra.
Tháng 7-2011, Chính phủ đã ban hành nghị định 64/2011/NĐ-CP về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần. Tuy nhiên, việc chữa bệnh bắt buộc này chỉ được áp dụng từ giai đoạn điều tra theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là khi đã có hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Ngoài ra, không thấy văn bản pháp luật nào khác quy định người nào, cơ quan nào... có trách nhiệm đưa người mắc bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh điều trị, cơ sở khám chữa bệnh phải tiếp nhận người mắc bệnh hay cơ quan có thẩm quyền bắt buộc người mắc bệnh tâm thần phải điều trị để ngăn ngừa người mắc bệnh tâm thần có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Nói một cách khác là không tìm ra bóng dáng trách nhiệm của Nhà nước khi không xây dựng đủ cơ sở vật chất để quản lý và điều trị người bị bệnh tâm thần, để cho người bệnh tâm thần thực hiện hành vi gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

Luật sư BÙI QUANG NGHIÊM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét