Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

BIỂU TƯỢNG DÂN TỘC : NIỀM TIN VÀ GIÁ TRỊ

Biểu tượng dân tộc: Niềm tin và giá trị

Nguyễn Trung Kiên
Ở Việt Nam, chúng ta đang ở vào một thời buổi loạn giá trị, thiếu chân giá trị định hướng. Cái sụp đổ của Liên bang Xô Viết năm 1991 là đòn giáng mạnh vào hệ giá trị mà những người đảng viên Cộng sản đang theo đuổi.  Hình ảnh người bố nghe đài, bỏ đôi đũa xuống, đôi mắt nhìn xa xăm và trống trải mà đứa bạn tôi kể còn in đậm trong tâm trí tôi, làm tôi tin rằng, họ đã bị mất một chỗ dựa quan trọng cho chân giá trị của mình. Rồi những người dân ngày nay, đằng sau những vất vả mưu sinh, họ lại dần dần bị tước mất niềm tin vào tập thể, bởi những tham nhũng, nhiêu khê trong bộ máy hành chính, hay những gian lận trong giáo dục, những  dối trá trong y tế, hay sự thiếu hụt của các trợ cấp và an ninh xã hội v.v. Tất cả xói mòn niềm tin của dân chúng. Tất cả đẩy dân chúng vào cái nhìn bi quan đối với con người, với xã hội. Tất cả đặt họ vào tình huống phải tự tìm cho mình một chân giá trị để tin tưởng, để đi theo.

Và giới trẻ như chúng tôi lớn lên trong cái thời ‘quá độ’ – cái thời mà chúng ta đã rời bến này nhưng còn lênh đênh, phiêu dạt ở đâu đó trên con sông lịch sử, để rồi chưa biết khi nào thì đến được một bến bờ nào rõ ràng và hạnh phúc. Với lớp trẻ, khi những lớp người đi trước lúng túng trong định hướng chân giá trị cho chính bản thân họ,  thì chúng tôi cũng rơi vào một mớ hỗn độn và mơ hồ những giá trị thật giả, đúng sai hoặc nửa sai nửa đúng. Cũng có người may mắn tìm được giá trị đúng đắn để sống cuộc đời có ý nghĩa, những cũng có người thì bỏ mặc cho dòng đời xô đẩy hoặc bị dẫn dắt bởi người khác, có người trở nên chán nản, đau khổ, và cũng có người lựa chọn sống cuộc sống tiêu cực ngoài vòng pháp luật. Không có gì lạ khi mà những vụ giết người, cướp của, hiếp dâm, lừa đảo, buôn bán thuốc phiện, hút chích đang trở nên phổ biến trong  xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Cũng có người may mắn được đi học ở nước ngoài và đã, đang tiếp thu những giá trị mới. Nhưng cũng có người an phận sống cho riêng mình, cũng có người quay sang chê bai, chửi bới, châm biếm, đả kích những ‘căn bệnh’ đang tồn tại trong đất nước và dân tộc của họ. Nhưng số quay lại đóng góp cho đất nước, vì dân tộc thì không hề nhiều. Đừng quá trách chúng tôi! Chúng tôi đang loạn giá trị, loạn niềm tin và chúng tôi đang tìm kiếm câu trả lời: Tin cái gì? Chọn cái gì? Theo cái gì? Sống thế nào? là những câu hỏi thể hiện sự rối loạn định hướng giá trị của đa số tuổi trẻ chúng tôi. Mà tuổi trẻ loạn thì nguyên nhân gốc rễ chính là từ xã hội loạn.
***
Chúng ta thường nói đến từ ‘dân tộc’, ‘tính dân tộc’, ‘tinh thần dân tộc’, ‘lòng yêu nước’, hay những từ ‘to lớn’ khác, nhưng ít khi chúng ta cảm nhận được nó. Có ai bảo ta rằng: Mày sống vì nhân dân, vì dân tộc một tí! Chắc mình sẽ bảo sao mày nói gì to tát thế! Quả thực, dân tộc, với tư cách là một tập thể, một nhóm rất lớn, hiện diện rất mông lung và xa vời trong đời sống thường nhật. Cũng như ta hay hỏi: nhân dân làm chủ, nhưng nhân dân là ai? là tất cả, nhưng cũng chẳng là ai cả? Dân tộc cũng là tất cả, nhưng cũng chẳng là ai, bởi vì nó là một tập thể không có ranh giới và hình thù rõ ràng. Nó chỉ hiện diện hết sức vô hình và thường bị những chuyện đời sống nhỏ nhặt, từ vợ chồng, con cái, tới tiền nong, chợ búa, cho tới những thứ to tát hơn như sự nghiệp, công danh, quyền lực, địa vị lấn át và chi phối. Cũng có thể, cái tinh thần tập thể đó bị phủ mờ hay bị khoá chặt bên trong bởi những cảm xúc hay kinh nghiệm cá nhân đối với tập thể, nó tạo thành cảm giác rằng bản thân mình hoặc tách rời tập thể, hoặc chán ghét cái tập thể đó. Và khi tự cho mình nằm ngoài cái tập thể đó, làm sao có thể xuất hiện ý chí tập thể? Do đó, nếu không có một biến cố lịch sử hay một sự kiện chính trị – xã hội nào đó có tầm quan trọng to lớn, đặt mọi người trên một mẫu số chung, thì sẽ chẳng hy vọng nào kéo từng cá nhân thoát ra khỏi vòng xoắn của những âu lo đời thường để quan tâm tới những gì vĩ đại cho cả cộng đồng.
Tôi đã từng cảm nhận được, một vài lần khi tinh thần dân tộc xuất hiện và hiện hữu. Đó là lúc cảm xúc gia tăng đột biến, trào dâng, làm cho bản thân hầu như bị chi phối bởi sức mạnh to lớn nào đó, một tinh thần dám vượt qua những nông cạn và nhỏ nhặt cá nhân, để khiến mình làm gì cũng được, kể cả phải chết. Một lần là lần đầu tiên tôi dự cuộc diễu hành nhân ngày Quốc khánh mồng 2 tháng 9 năm 2005. Lúc đó tôi chứng kiến hàng dài những người lính diễu binh, bước đi trong tiếng nhạc oai hùng. Và vây quanh tôi, cả đám đông như nín thở chào đón họ. Một lần là khi tôi và đám bạn hoà vào dòng người cổ vũ, ăn mừng cho chiến thắng của đội bóng đá Việt Nam vô địch Đông Nam Á năm 2008. Khi đó, dường như tất cả mọi người chia sẻ một tinh thần chung, là vui sướng, là tự hào, rồi để là gắn kết giữa những người cùng chung một dân tộc. Lúc đó, cá nhân sẵn sàng làm những chuyện vĩ đại, vượt qua sức mình vì tập thể.
***
kimma2-9173-1381629806
Và đây, cái chết của Tướng Giáp không đơn giản chỉ là cái chết của một con người, đúng hơn, nó là cái chết của một con người mang đầy giá trị: giá trị của lịch sử, giá trị của dân tộc, giá trị của lòng yêu nước và bản lĩnh người Việt.  Mà các giá trị chân chính khi đã được tập hợp lại bên trong một con người, nó đủ sáng để biến người đó trở thành biểu tưởng. Nói không ngoa, Tướng Giáp là một biểu tượng rực sáng. Một biểu tượng chuyên chở những giá trị cho phép số đông dân chúng tin tưởng, sống chết vì nó. Một biểu tượng có thể khơi gợi được sợi dây vô hình nối liền những cá nhân rời rạc và ích kỷ, và biến họ thành một khối thống nhất, chia sẻ chung cảm xúc, suy nghĩ, ý chí và hành động. Lịch sử dân tộc Việt Nam, dĩ nhiên đã từng trải qua những thời khắc mà cả dân tộc cùng chung một ý chí. Có lẽ rõ ràng nhất là trong những thời khắc chiến tranh như khi nhà Trần vận động dân chúng tổ chức vườn không nhà trống chống quân Mông Cổ, hay khi huy động người dân góp sức tải lương thực và vũ khí cho chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 hay tinh thần tất cả vì miền Nam những năm thống nhất đất nước. Nhưng trong thời buổi hoà bình mà tạo ra được sự gắn kết tập thể như trong chiến tranh, đó chỉ có thể sinh ra từ những sự kiện đặc biệt, hoặc từ những biểu tượng đặc biệt.
Dai-tuong-o-Vung-Chua-2-1-9988-1381668287
Một tuần vừa trôi qua là một tuần ‘vĩ đại’ theo nghĩa nó đặc biệt hơn mọi tuần khác trong một năm, thậm chí đặc biệt trong cả thế kỷ. Khi mà cái chết của vị tướng anh hùng đã tạo nên một ‘cơn sóng thần’ những tin tức dồn dập xuất hiện trên mạng Internet. Dòng thông tin khổng lồ sinh ra, lưu chuyển liên tục đó, xuất phát từ mọi hình thức, từ báo chí mạng, từ chính thức đến phi chính thức, tới các trang mạng xã hội và các trang web và blog cá nhân, xuất phát từ mọi cấp độ, từ cá nhân tới các nhóm xã hội và tới từ đa phần các tầng lớp trong xã hội. Tướng Giáp qua đời đã dấy lên một ‘cơn bão’ dư luận xã hội: họ tìm kiếm, họ đọc, họ nghe, rồi họ viết, họ chia sẻ, họ trải lòng, họ bàn luận, họ đánh giá, họ suy ngẫm… Tất cả những hành động đấy đều xoay quanh con người và cuộc đời của vị Tổng tư lệnh ‘lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu’.  Nếu Internet như một cỗ máy phát sóng kết nối tất cả những cá nhân riêng lẻ từ khắp các chiều không gian và thời gian, thì Tướng Giáp là cốt lõi tinh thần để vận hành cái máy đó. Một tuần qua, có cảm giác các tầng lớp xã hội như những người dân làng đang quây quần quanh một cái bếp lửa hồng để trò chuyện về sự ra đi của một già làng như thể đó là chuyện duy nhất có ý nghĩa trong thời gian này.
Và đặc biệt hơn là chuyện những người dân đổ về Hà Nội, rồi lại dồn về ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu để thắp nén nhang, kính viếng người tướng đã ra đi. Và hôm nay là chuyện những người dân từ khắp nơi đổ ra đường Hà Nội để đưa tiễn vị tướng ấy về nơi chôn rau cắt rốn của ông và những người dân khắp nơi về Quảng Bình để mong dự cái giờ phút cuối cùng của Đại tướng trước khi ông về với cát bụi. Tôi cảm thấy ngạc nhiên và sung sướng! Dù tôi không được dự vào dòng người đến viếng và tiễn đưa Tướng Giáp, nhưng qua những bài viết trên mạng Internet, tôi cũng có thể cảm nhận được cái tinh thần ấy, cái cảm giác ấy, trong những khoảnh khắc ấy. Cái cảm giác mà có vẻ như cuộc sống bon chen, cơm áo gạo tiền đầy cuốn hút, vội vàng và ích kỷ - cái mà cuốn tất cả mọi người vào một vòng xoáy đầy toan tính cá nhân – đã nhường chỗ cho một điều thiêng liêng hơn mang tính cộng đồng rõ rệt. Có những người bạn tôi cảm giác rằng họ chẳng bao giờ quan tâm đến những chuyện lớn lao của đất nước nhưng nay họ là những người trăn trở đi viếng.  Có những bạn trẻ mà tôi nghĩ họ thích nhạc trẻ hay nhảy hiphop hơn là chuyện chính trị, nhưng các bạn đã xếp hàng trong dòng người nối dài như bất tận vào viếng hay tiễn đưa Đại tướng. Tóm lại, cái đám đông xuất hiện hướng về vị tướng đó – già có, trẻ có, nam có, nữ có, ca sĩ có, nhạc sĩ có, nhà văn có, nhà báo có, tướng lĩnh có, nông dân có, người Kinh có, người dân tộc thiểu số có, ở xa có, ở gần có, nghèo có, giàu có v.v. – như một hình ảnh thu nhỏ của một dân tộc.
xuanthuy3-2546-1381636385
Mấy năm nay, Tướng Giáp vẫn sống, nhưng ai cũng biết ông đã rất già, rất yếu và có thể ra đi bất cứ lúc nào. Cái gì quý giá, nhưng chúng ta biết chúng ta đang có nó, chúng ta cũng dễ quên đi, hoặc ít để ý. Con cá sống trong nước cũng không biết nước quan trọng thế nào đối với nó. Người ta sống dựa vào không khí, nhưng ít khi cảm nhận hay nhớ về nó.  Và rồi, chúng ta cứ an tâm rằng Tướng Giáp đang sống – và có khi chúng ta đã lãng quên ông – chỉ đến khi cái chết thực sự đã đến với ông, để cho chúng ta thấy giá trị của ông quan trọng như thế nào đối với dân tộc Việt Nam. Chỉ đến lúc đó, chúng ta mới nhận ra rõ ràng rằng, cái biểu tượng giá trị mà chúng ta cần cho sự phát triển của đất nước này là cần thiết như thế nào. Chỉ đến lúc đó, những con người cá nhân, ích kỷ chúng ta mới chợt thấy khắc khoải, bồi hồi, tiếc nuối, nhớ thương một biểu tượng giá trị đã mất đi. Và thực sự, cái chết của Tướng Giáp là một thử nghiệm lịch sử, cho thấy rằng té ra tinh thần dân tộc Việt Nam nó không bao giờ chết, nó chỉ ẩn đi trong màu áo cuộc sống tầm thường và sẽ trỗi dậy khi thời cơ tới.
langbac-3329-1381634167
Có người nói đó là dấu hiệu đánh dấu sự kết thúc của một thời đại. Câu nói buồn man mác, song cũng có lý! Nhưng dù tranh luận như thế nào đi nữa thì dân tộc Việt Nam cũng cần có những con người tiếp bước những thế hệ như Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, để tạo nên những biểu tượng giá trị mới cho dân tộc tin theo. Đúng! Chúng ta thay vì than thở, hãy đi xây dựng biểu tượng giá trị của thời đại mới!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét