Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

PHÁP LUẬT & VÔ CẢM

Pháp luật không có nghĩa là vô cảm

TT - Con chết khi ly hương đi kiếm sống, cha mẹ không được nhận số tiền ít ỏi còn lại trong tài khoản của con chỉ vì những quy định cứng nhắc, không có ngoại lệ của luật pháp.

Minh họa: Nguyễn Tài
Thời tôi làm trưởng phòng giao dịch ngân hàng gần 14 năm trong Khu chế xuất Linh Trung của Q.Thủ Đức (TP.HCM), tôi được dịp tiếp xúc rất nhiều công nhân nghèo quê ở xa. Ở miền Tây, miền Trung không ít, nhưng phần lớn là các tỉnh phía Bắc, có người ở tận Cao Bằng.
Nhiều lần tôi xót xa khi tiếp thân nhân của một công nhân nào đó mất đột ngột, thường gặp nhất là bị tai nạn giao thông. Đó là những ông bố, bà mẹ, anh trai, chị gái... lam lũ quê mùa nghe tin con em mình mất trong Nam, chỉ kịp cầm theo giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu - hai loại giấy tờ cần thiết - để làm thủ tục nhận thi thể.
Đó là những khuôn mặt thất thần như nửa tin nửa ngờ khi con em mình quá trẻ để ra đi, không kịp nói một lời trăng trối sau cùng. Hầu như khuôn mặt nào cũng nhạt nhòa nước mắt. Họ tìm đến ngân hàng theo hướng dẫn của người quen để xin rút số tiền lương ít ỏi còn lại trong tài khoản người xấu số.
Thủ tục chặt chẽ
Tôi thuộc nằm lòng những quy định của pháp luật về cách giải quyết đối với số dư tài khoản tiền gửi khi chủ tài khoản mất mà không có di chúc (phần lớn công nhân còn không biết hai chữ di chúc là gì!). Đó là một thủ tục nhiêu khê bao gồm đơn yêu cầu rút tiền, giấy chứng minh nhân dân của chủ tài khoản, giấy chứng tử, văn bản thỏa thuận phân chia tài sản hoặc văn bản khai nhận di sản của những người thừa kế theo Luật dân sự và văn bản ủy quyền của những người thừa kế hoặc văn bản từ chối nhận di sản.
Thế nhưng 10 trường hợp thì hầu như cả 10 đều thiếu hai loại giấy tờ sau cùng, vì thân nhân người mất khi nghe hung tin chỉ biết làm sao vào càng nhanh càng tốt cho con em mình đỡ lạnh, đỡ tủi vì cô quạnh.
Lần đầu tôi còn ngần ngừ. Nhưng kiểm tra số dư trên tài khoản thường con số chỉ vài trăm ngàn đồng, cá biệt có công nhân lương vừa vào tài khoản nên được hơn triệu bạc.
Số tiền này không đủ cho người thân quay ra quay vào làm thủ tục. Sau khi kiểm tra thông tin, các trường hợp tôi gặp đều không có vay mượn ngân hàng, cũng không tạm ứng nợ nần gì công ty nên tôi ký chịu trách nhiệm cho thân nhân rút tiền.
Lần nào cũng như lần ấy, tiễn người thân của chủ tài khoản ra đến tận cửa ngân hàng, nắm tay nói lời chia buồn lần nữa, mắt tôi cứ thấy cay cay.
Hỏi thăm nhiều đồng nghiệp thì hầu như... rất ít nơi nào cho rút tiền như tôi. Viện dẫn quy định này, chế độ kia để từ chối thì quá đúng và quá dễ! Cũng may là những trường hợp tôi du di cho lãnh như vậy đều êm thắm. Có gì thì tôi cũng sẵn sàng lấy lương mình ra đền. Đó là nếu mình được lòng lãnh đạo. Còn không thì không biết sẽ còn chuyện gì xảy ra.
Những đồng tiền nằm lại trong tài khoản
Một phụ nữ nghèo có chồng là người Trung Quốc sang Việt Nam làm ăn, hai người không hôn thú, có với nhau một đứa con mà khai sinh để trống phần tên cha. Cách đây không lâu, người chồng mất đột ngột, tài khoản tiền gửi ở ngân hàng còn hơn 9 triệu đồng nhưng người vợ không thể nào rút được số tiền trên để lo ma chay và lo cho con.
Cha mẹ người chồng bên Trung Quốc đều đã già và cũng không thể sang Việt Nam để thừa kế số tiền không to lắm như trên. Số tiền đó đến giờ vẫn nằm im trong tài khoản ở ngân hàng. Trưởng phòng kế toán ngân hàng này cho biết có nhiều người làm chung với người chồng xác nhận người phụ nữ đúng là vợ và đứa bé đúng là con nhưng chị cũng đành chịu vì quy chế không có trường hợp ngoại lệ.
Đến giờ vẫn chưa có ai thống kê được số tiền còn trên tài khoản của những người đã mất mà người thân đành phải bỏ là bao nhiêu.
Tôi đã đọc hầu hết quy chế mở, sử dụng và quản lý tài khoản của các ngân hàng khác nhau, tất cả đều quy định rõ phải có đủ các loại giấy tờ như đã nói ở phần trên mà thiếu phần giả định.
Lẽ ra với tài khoản tiền gửi cá nhân được dùng để trả lương qua ATM phổ biến đến trên dưới 40 triệu người sử dụng như hiện nay, phần giả định về thừa kế phải được tính toán cân nhắc đến những trường hợp đối với số tiền trên tài khoản quá ít và thân nhân ở quá xa như những trường hợp tôi đã giải quyết cho lãnh tiền kể trên.
Gần đây, Vietcombank có linh hoạt giải quyết bằng cách chấp nhận cho thân nhân người mất về quê làm đầy đủ hồ sơ khai nhận di sản thừa kế đem đến chi nhánh Vietcombank gần nhất, nơi đây sẽ làm thủ tục trong nội bộ ngân hàng để đóng tài khoản và chi trả tiền cho thân nhân người đã mất. Nhưng thủ tục này vẫn nhiêu khê và phải có văn bản chỉ đạo từ hội sở chính ở Hà Nội cho từng trường hợp.

ĐỖ THỊ HUỲNH HOA


Cần có hướng dẫn thủ tục nhận di sản giá trị thấp
Theo quy định của Bộ luật dân sự, khi một cá nhân chết thì tài sản của họ được để lại cho những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Do những công nhân nêu trong bài không có di chúc nên khi họ chết thì số tiền trong tài khoản của họ thuộc về những người thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên, ai là những người thừa kế hợp pháp của chủ tài khoản thì ngân hàng không thể biết. Chính vì thế, các ngân hàng mới yêu cầu người lãnh tiền phải có văn bản khai nhận di sản hoặc văn bản thỏa thuận phân chia di sản... để ngân hàng có cơ sở trao tiền đúng người.
Lý là vậy nhưng thực tế cho thấy các thủ tục liên quan rất nhiêu khê, nhất là trong các trường hợp số tiền trong tài khoản không lớn. Không phải cứ muốn là những người thừa kế có ngay các văn bản này. Bởi lẽ để loại trừ việc bỏ sót người thừa kế, trước khi công chứng bao giờ các công chứng viên cũng niêm yết các văn bản trên tại UBND cấp phường trong 30 ngày. Mất thời gian thì đã rõ, nhưng những người thừa kế còn phải tốn bộn tiền (có khi còn nhiều hơn số tiền người chết để lại) cho việc tới lui, liên hệ. Tính ra, cách giải quyết linh động của chị trưởng phòng giao dịch đáng khen hơn đáng trách vì tính hợp lý, hợp tình của nó.
Có lẽ để những người như chị không phải “run tay”, đồng thời tạo thuận tiện cho người dân trong việc nhận di sản là các khoản tiền nhỏ, Ngân hàng Nhà nước VN nên có hướng dẫn về việc này theo hướng đơn giản hóa. Có thể cho người rút tiền tự cam kết và nếu hãn hữu có phát sinh tranh chấp thì những người thừa kế có quyền kiện ra tòa để được xem xét, giải quyết.

Luật sư TRẦN THỊ MIỀN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét