Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Càng già càng dẻo,càng dai (2)

Đăng ngày: 22:30 28-09-2011
Thư mục: Tổng hợp
 (tiếp theo)
Để có cái nhìn toàn diện về Nguyễn Công Trứ các bạn chịu khó đọc những bài tôi sưu tầm và đăng tải sau đây.Các bạn có bình luận hay chỉ đọc cũng là tốt rồi. Bạn nào có hứng có thể họa bình các bài thơ của Nguyễn Công Trứ mà bạn cho là tâm đắc


 Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch
. Lập thân tối hạ thị văn chương
 (Mỗi bữa không quên ghi thẻ trúc.
 Lập thân thấp nhất ấy văn chương)
Viên Mai

 Kẻ thì cho tin lành. Người thì cho tin dữ. Giặc châu chấu đã dẹp xong ! Nguyễn Công Trứ ngồi trầm ngâm bên chén rượu, không biết nên vui hay nên buồn khi nhận những dòng tin ấy.
    Chu Thần Cao Bá Quát bị tử trận dưới cờ Bình Dương, Bồ Bản vô Nghiêu, Thuấn / Mục Dã, Minh Điền hữu Vũ, Thang (Ở Bình Dương, Bồ Bản không có vua Nghiêu, vua Thuấn (thì) ở Mục Dã, Minh Điền có Vũ Vương, Thành Thang nổi dậy lật đổ Kiệt, Trụ) trên mảnh đất Yên Sơn (Sơn Tây), kể ra cũng đáng buồn – cái buồn của chút tình riêng.
    Hiện nay, triều đình cho truy bắt những người có liên quan đến đám nghịch tặc, thậm chí phải đốt cho kỳ hết những áng thơ, văn có dính dấp tới họ. Chết ! Kiểu này thì con cháu dòng họ Cao sẽ không còn, và cái làng Phú Thị hiền lành, lắm người tài hoa ấy cũng sẽ ngóc đầu không nổi ít ra cũng bốn năm thế hệ. Nguyễn Công Trứ lật lại đống thơ, văn của những quan khách đã đến mừng ông, chia tay với ông nhân ngày ông được về hưu (1848). Nhìn nét chữ như rồng bay phượng múa với dòng lạc khoản: Lễ bộ hành tẩu Cao Chu Thần kính bái, Nguyễn Công Trứ thấy bùi ngùi muốn khóc.
    Ngày ấy, đơn xin về hưu của ông được nhà vua châu phê, ông làm bài thơ Thất thập tự thọ, và đã được thân bằng cố hữu, các quan trong triều, các quan lại có dịp đến kinh đều có đến mừng và họa. Nguyễn Công Trứ đọc lại bài xướng của mình:
    Nhựt đối nhi tào tự giải di,
    Kim ngô bất tự cố ngô thì.
    Tùy cơ khối lỗi chiêu nhân tiếu,
    Trục ký niên hoa giới cổ hi.
    Lão thực phất kham trang diện mục,
    Anh hoa an dụng nhiễm tu tì.
    Tự tàm hào mạt hồn vô trạng,
    Tiếu sái Hồng Sơn hữu thị phi.
    (Nhìn trẻ thường ngày tự mỉm môi,
    Nay ta khác hẳn lúc xuân thời.
    Áo xiêm trò múa cười bao độ,
    Ngày tháng thoi đưa tới bảy mươi.
    Đã biết mặt mày cằn cỗi thật,
    Cần chi son phấn điểm tô hoài.
    Thẹn mình công trạng không may mảy,
    Phải, trái Hồng Sơn cũng nực cười).
    Đọc lại bài xướng ngày nào thú thật ! Nguyễn Công Trứ nghĩ thế rồi ngâm lên lần nữa sau hớp rượu tê tê đầu lưỡi.
    Nguyễn Công Trứ đưa mắt liếc khắp các bài họa của bạn bè và dừng lại bài họa theo nguyên vận của Cao Bá Quát:
    Quần sơn Nam vọng độc chi di,
    Dao tưởng tiên sinh vị lão thì.
    Tự cổ anh hùng ngộ đa dị,
    Tức kim xỉ đức kiến chân hi.
    Thường đa thế vị chung tu tửu,
    Cấm đoạn sương hoa bất thượng tì.
    Văn đạo hồng phong dục hồi thủ,
    Khởi ưng Lục thập cửu niên phi.
    (Non Nam nhìn tới mỉm đôi môi,
    Tưởng nhớ tiên sinh lúc thiếu thời.
    Những kẻ anh hùng riêng mỗi cảnh,
    Mấy ai xỉ đức được như Người.
    Rượu nhờ tẩy sạch bao mùi tục,
    Râu cắm không màng những phấn bôi.
    Nghe nói Hồng phong nay trở gót,
    Lẽ nào sáu chục chín năm sai !)
    Đúng là bậc tài hoa ! Chỉ mỗi câu kết bài thơ là nói được tất cả. Khen đấy mà cũng chê đấy. Đa thọ đa nhục cụ ơi. Bảy mươi tuổi mới chịu về hưu thì làm sao khỏi có nhiều lầm lỗi. Tham quyền cố vị như cụ, thật chẳng mấy người. Hay ! Hay lắm lắm, Chu Thần ạ. Nhưng cái hay, cái giỏi ấy, Chu Thần đã đem dùng không đúng chỗ rồi. Nguyễn Công Trứ vừa rung đùi khẽ ngâm, vừa ứa nước mắt.
    Qua bài xướng của ông, mỗi người họa lại đều gửi gắm một nỗi niềm cho ông. Bài họa chữ có, nôm có, song trong thâm tâm, Nguyễn Công Trứ vẫn thích bài họa của Chu Thần. Lúc này, nghĩ lại... tội nghiệp.
    Tại sao ở đời vẫn còn lắm người tưởng hễ biết thơ văn là biết tất cả, kể cả việc kinh bang tế thế ? Sợ thật ! Từ thời Tiền Đường, Viên Mai từng đỗ tiến sĩ, từng lĩnh chức tri huyện và cũng đã từng nói: Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch. Lập thân tối hạ thị văn chương (Mỗi bữa không quên ghi thẻ trúc. Lập thân thấp nhất ấy văn chương). Dĩ nhiên ở đời, không thiếu người thăng quan tiến chức, quyền nghiêng thiên hạ chỉ nhờ vào vài ba cuốn sách, dăm bảy bài thơ. Trịnh Khải vì thơ hay mà làm nên tể tướng. Và cũng chính ông ta tự mỉa mai: "Tôi mà làm được tể tướng thì cuộc đời này như thế nào rồi, không nói đã rõ". Thế mà... Nguyễn Công Trứ lại chép miệng thở dài. Khôi phục nhà Lê ư ? Thực ra, nhà Lê có còn gì đáng để khôi phục ? Ngay từ năm 1533, Nam triều được dựng lên. Nam triều là triều Lê, nhưng quyền bính thực sự đã nằm hết trong tay Nguyễn Kim. Tháng 5 năm Ất Tỵ (1545), Nguyễn Kim bị một hàng tướng của nhà Mạc – tức Bắc triều – là Dương Chấp Nhất, hạ độc chết. Từ đó, tất cả quyền bính của Nam triều lọt hết vào tay người con rể của Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm. Vua Lê ngay từ thời ấy có khác gì con bù nhìn đâu. Thậm chí, những ngày cuối của triều Lê, thân sinh ông là Đức Ngạn Hầu vẫn trở về làng cũ sống với ruộng vườn cho đến hết đời, kia mà. Lê Duy Cự là cái gì mà Chu Thần phải theo để làm khổ cả dòng họ, cả xóm làng.
    Nói cho công bằng, triều Nguyễn hiện giờ có gì không phải với Chu Thần ? Khoa thi năm Tân Mẹo, Minh Mệnh thứ mười hai (1831), trường Thăng Long lấy hai mươi cử nhân. Chu Thần đỗ nhì sau Giải nguyên Đào Huy Phúc, người xã Thượng Hiệp, huyện Đan Phượng. Nhưng sau đó, bộ Lễ xét lại và cho Chu Thần đỗ cuối bảng. Điều đó có thật, nhưng cuối bảng vẫn là cử nhân, vẫn được bổ dụng, chứ nào vứt bỏ ai đâu. Tam thập nhi lập, và anh ta mới hai mươi hai tuổi vẫn là trẻ, quá trẻ so với ông ngày nào.
    Bước vào quan trường, Chu Thần đã là Hành tẩu bộ Lễ cũng như ông ngày ấy (Hành tẩu Sử quán) chớ nào thua kém gì. Trong lúc đó ông đỗ Giải nguyên, chớ nào chỉ đỗ nhì rồi cho xuống cuối bảng như Chu Thần đâu. Và ông nhớ không lầm, chẳng bao lâu, Chu Thần được đặc cách thăng Lang trung, còn ông phải những... bốn năm. Hồ Hằng Tánh, người xã Phú Mỹ, huyện Diên Phước, đỗ Phó bảng khoa Giáp Thìn, Thiệu Trị thứ tư (1844) cũng làm quan tới chức Lang trung rồi về, chớ nào phải ai muốn làm gì thì làm. Dễ như làm ruộng, thế mà phải chịu một nắng hai sương, cày sâu cuốc bẫm, hạt đã xám lá gai và chỉ qua một đêm trời hại là không còn một hạt nấu cháo, huống gì tước lộc triều đình. Còn gì nữa nào ? Sơ khảo trường thi. Phải rồi. Chu Thần được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên, khoa Tân Sửu (1841). Rắc rối bắt đầu từ đây. Nguyễn Công Trứ tin lòng Chu Thần sáng tợ như gương. Nhưng ai biết được ! Dám lấy muội đèn chữa văn cho hai mươi bốn quyển thi trong khoa này là quá lắm lắm. Nếu bảo, trí rộng giữ mình an, thì Chu Thần còn kém lắm. Lạ gì những anh nôm hay mà chữ dốt. Với ông, đã thực tài, thì những chuyện vặt vãnh của trường qui cũng dễ đi qua. Học tài thi phận chỉ là cái cớ để an ủi cũng như mượn nhang đèn khấn vái chư thần.
    Ngày ấy, sau khi bị phát giác, Chu Thần bị khép vào tội giảo giam hậu (thắt cổ chết nhưng hoãn thi hành, giam lại đợi lệnh). Song triều đình mến tài văn chương của Chu Thần mà buộc đi dương trình hiệu lực ở Giang-lưu-ba (Gia-các-ta) đái công chuộc tội. Phúc bảy đời, còn đòi gì nữa. Phái bộ đi Giang-lưu-ba ngày ấy, ai không biết danh Thánh Quát. Và ai nỡ lòng nào bắt Thánh Quát dâng trà, hầu rượu. Thậm chí, hai năm ngồi trong ngục, Thánh Quát vẫn được đem theo tiểu đồng lo miếng ăn, giấc ngủ kia mà. Trọng dụng đến mức ấy, chẳng lẽ chưa đủ sao ? Đặt điều này ra, không phải ông bênh vực cho triều đình, song cái gì cũng phải có ranh giới nhất định, chớ không thể vì chút tình riêng mà muốn nói gì cứ nói để những người hiểu chuyện, hoặc ngày sau con cháu cười chê.
    Cuối đời, ông muốn ngông nghênh đôi chút để vơi nỗi buồn thầm kín mà ngoài ông ra không còn ai hiểu được. Ai ơi, xin chớ có cười, Chỉ che lỗ miệng những người thế gian. Nói thì nói thế, chớ ông sợ "miệng thế gian lắm”. Trăm năm bia đá thì mòn, Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ. Sử sách không ghi, song lòng người nhớ mãi. Thú thật, ông đã biết sợ, mà nào có ai biết ngoài ông.
    Giáo thụ phủ Quốc Oai nhỏ lắm sao ? Nguyễn Tường Phổ, người xã Cẩm Phô, huyện Diên Phước, đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Dần, Thiệu Trị thứ hai (1842) và là con của Binh bộ thượng thư Nguyễn Tường Vân, Phó tổng trấn Bắc thành chớ phải con nhà dân dã đâu, thế mà đến cuối đời cũng chỉ làm đến Giáo thụ phủ Điện Bàn.
    Thôi, cứ cho rằng, vì dân vì nước, Chu Thần theo Lê Duy Cự chống lại triều đình, thì phải ngẫm lại Lê Duy Cự đã làm được gì cho dân cho nước ? Dựng lại mồ ma một triều đại không còn chút thực quyền những mấy đời, thì có nên chăng ? Nếu là tôi trung, là kẻ sĩ đứng trong trời đất, Chu Thần phải đem cái tài cái đức của mình ra phục vụ, hiến những kế sách hay làm cho dân giàu nước mạnh. Đằng này, ông chưa thấy Chu Thần hiến được một kế gì ngoài những áng văn thơ than trời trách đất, thương xót chung chung. Dân nghèo, dân đói ư ? Quan tham, quan nhũng ư ? Đã gọi là xã hội thì làm sao tránh khỏi những điều ấy. Và chính vì những điều ấy, có những điều ấy mới giúp kẻ sĩ thể hiện tài năng của mình, chớ ai cũng giàu, cũng sang, "bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng", thì kẻ sĩ làm gì ? Tọa thực, sơn băng. Thiên tai, dịch bệnh, triều đình cũng chỉ giúp ngặt chớ đâu thể giúp nghèo. Vua quan cũng có công việc của vua quan, chớ ai ngồi không mà thụ hưởng đâu ?
    Dân nghèo, dân đói quả có thật, song đâu đã đến nỗi người ăn thịt người như sử sách Trung Hoa ghi chép. Chu Thần lẽ ra phải biết điều ấy hơn ai hết. Muốn trị quốc thì trước hết phải tề gia, muốn tề gia thì phải tu thân, muốn tu thân thì phải chính tâm, muốn chính tâm thì phải thành ý, muốn thành ý thì phải cách vật trí tri. Đó là cả một quá trình gian nan, khổ công tu học cả đời kia mà.
    Khi nghe tin Chu Thần theo Lê Duy Cự làm giặc, Nguyễn Công Trứ giận lắm, muốn dâng sớ xin đi dẹp ngay, nhưng nghĩ lại thấy cũng chẳng cần. Tài của Chu Thần mà làm Quốc sư, thì chẳng mấy ngày sẽ bị quân triều đình đánh tả tơi không còn manh giáp. Bởi ở chiến trường, không thể múa bút ngâm thơ. Chu Thần có thể là người thầy giỏi trong thời bình, chớ không thể là một nho tướng, một mưu thần ngồi trong trướng quyết định thắng bại ngoài chiến trận. Vả lại, Nguyễn Công Trứ cũng không muốn nhìn Thánh Quát bị đóng gông, hoặc chết trước mắt mình.
    Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái
    Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi
    Quan Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên Nguyễn Bá Nghi có lần kể cho Nguyễn Công Trứ nghe câu đối dán nhà Thánh Quát khi làm Giao thụ phủ Quốc Oai. Ngày ấy, ông chỉ cười không nói. Theo ông, Chu Thần đã tự đánh mất mình từ đấy. Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Nhưng thôi, chuyện đã rồi. Nghĩa tử, nghĩa tận. Thương chăng là thương cho dân làng Phú Thị, thương những người vô tội chết oan. Nguyễn Công Trứ thở dài, uống nốt chén rượu, đọc đi đọc lại bài thơ thất ngôn bát cú mà Chu Thần đã họa bài thơ ông làm khi về hưu. Tiếc thật ! Tiếc thật ! Nguyễn Công Trứ cuộn bài thơ bỏ vào ống cùng với những bài văn, bài thơ của bạn bè thay vì đốt bỏ theo lệnh của triều đình.
    Tiếng muỗi cứ vo ve như trêu ngươi người khó ngủ. Nguyễn Công Trứ cứ thở dài thườn thượt. Những việc có liên quan đến Cao Bá Quát cứ như lởn vởn trước mắt ông, trong tâm trí ông, cứ như mới ngày hôm qua, hôm kia. So với ông, Cao Bá Quát gặp may nhiều hơn gặp rủi. Khi Cao Bá Quát được vời vào Kinh, sung làm chức Hành tẩu bộ Lễ, ai ai cũng tấm tắc khen quan tỉnh Bắc Ninh tiến cử đúng người, khen phúc ấm gia đình Chu Thần. Những tháng ngày ở kinh thành, nhờ bạn bè, Nguyễn Công Trứ mới có dịp biết đến bản mật tấu ngày nào giúp Chu Thần qua cơn bỉ cực.
    Tuy đã lâu và cũng chỉ đọc qua một lần, nhưng Nguyễn Công Trứ vẫn còn nhớ như in tấm lòng của kẻ sĩ đối với dân với nước:
    "Sĩ phu trong đời tuy hiếm nhưng không phải là không có.
    Cây trầm, cây quế trong rừng dẫu khó tìm, nhưng vẫn chưa là hết hẳn. Phàm người có chút học thức ai cũng chả mong có chút tước lộc của triều đình ? Kẻ cầm gươm lăn lóc ở chiến trường, há chẳng phải vì chữ "Phong Hầu Bái Tướng" ? tên cuồng sĩ Cao Bá Quát tài học xét ra thật uẩn súc cao siêu, nhưng tính tình lại kiêu sa ngạo mạn. Triều đình chủ trương đào luyện nhân tài theo đường lối đạo đức của thánh hiền, không vì tiếc rẻ một nhân tài mà để giảm thanh danh của Khổng giáo. Sách có chữ: "Như hữu Chu công chi tài, chi mỹ, sử kiêu thả lận, kỳ dư bất túc quan dã dị" (Dù có tài giỏi như ông Chu công, mà còn giữ thói kiêu ngạo và biển lận thì cái tài giỏi kia là thừa).
    Như vậy, triều đình không trọng dụng tên Quát thật là chí công, chí lí thay.
    Nhưng ít lâu nay, thần được biết tên Quát vì bất đắc chí thành ra phóng đãng giang hồ, thường nay đây mai đó, khi quán rượu, lúc bến đò, dùng văn chương châm biếm người đời, lấy kinh sách mỉa mai thế tục.
    Hành vi của Quát xét ra có hại đến thanh danh của giới sĩ phu, mà cũng có thể làm cho dân chúng hiểu lầm là triều đình quá ư bạc đãi nhân tài, coi nho gia như phường tục tử.
    Thần trộm nghĩ, sách có câu: "Quân tử cố cùng, tiểu nhân cùng tư lạm hĩ" (Người quân tử chịu được cảnh nghèo túng, còn kẻ tiểu nhân khi nghèo túng tất làm bậy). Xem như tên Quát gia đình bần bách, ba gian nhà cỏ không đủ che nắng mưa, vài thửa vườn rau cơ cực, bữa cơm bữa cháo. Trên mẹ già tuổi ngoại thất tuần, rầu rĩ mong chờ lãng tử. Dưới con nhỏ tối ngày gào khóc thương nhớ phụ thân. Than ôi ! Hữu tài mà chẳng được dùng, ai oán con người bạc phước. Vô hạnh sao không tu kỷ, cơ hàn trói buộc văn nhân.
    Thần ngửa trông lượng trên ban cho tên Quát chút ơn vũ lộ, trước là cho hắn yên thân nuôi nấng mẹ già, sau để cho hắn ra vào cửa khuyết, sợ uy trời mà bỏ bớt tính ngông cuồng" (Unesco Vietnam, VIII, tháng 12-1964).
    Chuyện đời chẳng ai tính trước ! Nguyễn Công Trứ lại thở dài. Cái giá của kẻ không tự lượng sức mình lớn quá ! Nghĩ rằng Chu Thần không hiểu Kinh Dịch thì quá đáng, nhưng qua việc làm của ông ta thì rõ mười mươi. Nhưng chính Khổng tử trước khi trút hơi thở cuối cùng còn than tiếc với học trò: "Giá như ta được thêm ít năm nữa để học Dịch cho trọn vẹn thì không có điều sai lầm lớn", kia mà.
    Gẫm lại bài hịch mà Chu Thần viết cho Lê Duy Cự công bố với tướng sĩ của mình trước giờ khởi nghĩa, Nguyễn Công Trứ không hiểu, đúng là không thể hiểu được Chu Thần.
    "Hỡi các tướng sĩ:
    Người xưa có nói: "Thiên chi sinh vật, tất nhân kỳ tài nhi đốc yên, cố tài giả bồi chi, khuynh giả phúc chi". Nghĩa là trời sinh muôn vật, hễ vật nào có tài lực thì vun đắp cho tốt lên, vật nào kém hèn nghiêng lệch thì làm cho đổ nát đi. Lại có câu: “Bất tri mệnh vô dĩ quân tử giả”. Không biết mệnh trời không phải là quân tử.
    Xét qua hai câu này thì phàm đã là kẻ thức giả tất phải biết cái lẽ "Thuận" và lẽ "Nghịch". Ở đời thuận hay nghịch đều do thiên mệnh, cho nên khi trời đã bày ra cảnh thuận, tức như vạch một con đường hay để người tài bồi vun đắp cho cảnh thuận mãi. Nhưng khi trời đã bày ra cảnh nghịch, khác nào gây sự hỗn loạn, nghiêng ngửa thì con người phải theo ý muốn của trời mà san phẳng nghịch cảnh. Do đó, ta có thể ngắm cảnh tượng của tạo hóa mà biết được việc trước sau, xét việc của người mà đoán được lẽ biến hóa của trời đất vậy.
    Nay thử lần giở trang sử nước nhà để tìm hiểu thế nào là cảnh thuận, thế nào là cảnh nghịch, ngõ hầu vạch một con đường chính nghĩa cho mọi người noi theo.
    Kể từ khi họ Hồng Bàng lập quốc, dân ta đã có một hệ thống phong tục tập quán thuần mỹ, tình cha con, nghĩa vợ chồng được coi như căn bản của đạo lý. Trải qua đời Thục, đời Triệu, luân thường vẫn không bị xâm phạm mà còn vun trồng tươi tốt thêm. Như vậy có thể gọi là cảnh thuận. Đến khi đất nước biến chuyển, giang sơn bị lệ thuộc vào Trung Quốc, hệ thống luân lý cổ truyền bị làn sóng đô hộ biến thể nhưng vẫn chưa mất hẳn bản sắc, cho nên tới ngày nay, ở một vài nơi, ta còn thấy những tục lệ tốt đẹp của thời xưa. Kịp khi Ngô Vương Quyền đánh tan năm vạn quân Nam Hán ở sông Bạch Đằng phục hồi độc lập cho đất nước, thì dân ta mới lại được sống trong cảnh thuận tiếp diễn qua các triều Lê, Lý, Trần... Nhưng vẻ vang hơn hết là vị anh hùng ở đất Lam Sơn đã nổi lên quét sạch giặc Minh mở một kỷ nguyên mới cho đất nước, tức như thay trời mà đem lại cảnh thuận cho dân tộc.
    Xem như thế ta đã biết cảnh thuận và cảnh nghịch của lịch sử xen lẫn nhau, con người luôn luôn theo ý muốn của trời mà hành động, người và trời tương ứng, tương cảm với nhau, trong sự tạo nên vũ trụ vậy.
    Giang sơn ta, cuối đời nhà Trần, như chiếc nhà mục nát chỉ rình đổ, họ Hồ lợi dụng thời cơ mưu việc thoán vị. Kế đến quân Minh mượn danh nghĩa phù Trần, giày xéo đất nước, tàn phá dân ta, bày ra những trạng thái vô cùng bi đát, thì tưởng trăm phần trăm ách nô lệ lại quàng vào cổ của hai mươi triệu dân Nam một lần nữa. Nhưng đáng mừng thay, Đức Lê hoàng ở Lam Sơn lấy nhân nghĩa mà trị được bạo tàn, vì nòi giống mà chịu đựng mười năm lao khổ, gây dựng được nền vương nghiệp tốt đẹp, đem lại cảnh “thuận” cho toàn dân suốt một trăm năm thanh bình thịnh vượng. Không ngờ họ Mạc làm phản, gây ra cảnh Nam, Bắc triều, chia thế lực với triều Lê ta, cam tâm cúi luồn Trung Quốc để tác oai ở miền Bắc. Rồi thì nghịch cảnh cứ tiếp diễn mãi, hết Trịnh, Mạc tranh giành nhau ảnh hưởng, lại đến Trịnh, Nguyễn chia giới hạn để cai trị, sự rối loạn càng nhiều, nhân dân đồ thán lưu vong đến cùng cực. Tuy nhiên đất đai này vốn của nhà Lê, công ơn của vị anh hùng Lam Sơn đối với quốc dân vẫn còn chói lọi như ánh sáng của vừng Thái dương, cho nên khi vua Tây Sơn kéo quân ra Bắc chỉ dám nói diệt Trịnh mà không dám xâm phạm đến một tấc đất của Lê triều. Ngờ đâu Nguyễn Phúc Ánh nhờ quân Pháp giúp sức đánh lại được Tây Sơn, không trả lại ngai vàng cho nhà Lê, lại tự lập làm vua, nói là nhà Lê không người thừa kế trực hệ.
    Người xưa đã nói: “Phú dữ qui thị nhân thi, sở dục giả bất dĩ kỳ đạo đắc chi, bất sử dã", nghĩa là "Phú qúi thì ai cũng muốn, nhưng không lấy đạo mà được, thì không nhận". Nguyễn Phúc Ánh đã làm việc trái với lẽ phải, không giữ trọn đạo thần tử đối với nhà Lê, lại có tội đem người Pháp sang nước ta để sau này gây nhiều chuyện rắc rối. Nghĩ lại ba trăm năm vương nghiệp triều Lê vô cùng rực rỡ, thì ta không khỏi căm thù dòng dõi của Nguyễn Kim đã dại dột để cho ngoại bang xen vào nội bộ của nước ta chỉ vì tham chiếc ngai vàng. Đến khi đắc chí, lại bày ra nhiều trò báo oán nhỏ nhen, nào là quật chết hai đứa con vô tội của vua Quang Trung, đào mả ba anh em vua Tây Sơn lấy thủ cấp làm đồ đi tiểu, tàn sát con cháu những cựu thần nhà Lê đã hợp tác với quân Tây Sơn để chống lại cuộc xâm lăng của nhà Mãn Thanh. Hơn thế nữa, Ánh lại giết hại những người đã cùng giúp mình làm nên nghiệp lớn như Nguyễn Văn Thành, Đặng Trần Thường... ưu đãi bọn Pháp-lan-tây, uốn lưng thần phục Trung Quốc là nước thù địch của ta, tóm lại Nguyễn Phúc Ánh đã có những hành động và tư tưởng phản bội lịch sử. Con là Minh Mạng lại dâm dật tàn ác hơn bố, giết chị dâu và cháu, san phẳng mộ của Lê Văn Duyệt và Lê Chất là những công thần đã chết, lưu đày thân thuộc của họ và tịch biên gia sản sung công. Kể từ khi Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi truyền đến con là Minh Mạng và cháu là Thiệu Trị, suốt thời gian bốn mươi lăm năm đế chế, dân tộc ta đã chịu bao nhiêu sưu cao, thuế nặng, ăn bữa tối lo bữa mai, lụt lội mùa màng trôi sạch, xóm làng, đường sá tiêu điều. Trong khi đó bọn tham quan ô lại ra sức bóp nặn lương dân, tụi giặc đói tha hồ đốt nhà cướp của. Than ôi ! Dân ta có tội tình gì mà trời đất gieo tai, rắc vạ như vậy ? So với thời thanh bình ở các triều Lê, dân ta dưới chính sách áp chế dã man của họ Nguyễn Phúc quả đã lâm vào tình trạng đảo huyền cơ cực.
    Hỡi các tướng sĩ,
    Cái gì tốt đẹp thì vun đắp cho tươi tốt thêm lên, cái gì nghiêng ngửa thì làm cho đổ nát đi. Nhìn vào kiến trúc xã hội ngày nay, thì tất cả nền móng xã hội chính trị, cơ cấu kinh tế, trạng thái sinh hoạt đều nghiêng lệch, chỉ rình sụp đổ. Trời đất, qủi thần đều oán giận bọn thống trị nên mới bày ra những thảm cảnh để trông thấy mà suy nghĩ về tương lai. Lúc này chúng ta phải theo ý trời mà hành động tiêu diệt cái triều đại đổ nát này và xây đắp một xã hội khác tốt đẹp và thịnh vượng hơn lên. Vả lại lịch sử của họ Nguyễn Phúc đã chấm dứt từ khi Thiệu Trị thở hơi cuối cùng, tên hôn quân Tự Đức là dòng dõi người ngoài mượn họ Nguyễn Phúc để lên ngôi vua đó thôi. Hơn nữa, trong trời đất, mọi vật đều biến chuyển không ngừng, có cái gì là tồn tại vĩnh viễn đâu, chiếc ngai vàng kia cũng là của chung thiên hạ ai có đức thì được, có phải riêng gì một họ ? Ta dòng dõi của đức Lê Thái Tổ đau xót vì những cảnh khổ mà toàn dân đã chịu đựng ngót nửa thế kỷ nay, nhất quyết phất cờ khởi nghĩa, nên mài sẵn gươm thiêng, đúc thêm súng đạn giải phóng đất nước khỏi sự áp bức của bọn phong kiến sài lang, xây đắp một xã hội công bình và nhân đạo.
    Quân ta đi đến đâu, một lá rau, một hạt thóc cũng không tơ hào của nhân dân, dè dặt từng giọt máu, từng viên đạn, tôn trọng từng luống rau, nắm cỏ. Kẻ nào giết người vô tội phải đền mạng, bứt một bông hoa phải thường tiền, giẫm nát cây lúa phải phạt trượng.
    Hỡi các tướng sĩ,
    Tiếng trống khởi nghĩa đã bắt đầu rung lên trong cảnh đêm thu.
    Lòng người đã thức tỉnh và vâng theo mệnh lệnh qủi thần. Hãy trỗi dậy cả lên ! Ai có dáo vác dáo, ai có gậy vác gậy, tiêu diệt hết bọn quan lại tham ô, san phẳng hết những bất công của thời đại và cương quyết phục hồi đất nước cho triều Lê.
    LÊ DUY CỰ" (Unesco Vietnam, đd)
    Nói người chẳng nghĩ đến ta. Ngay chữ nghĩa, ý tưởng trong lời hịch đã tự mâu thuẫn nhau rồi thì làm sao thuyết phục được ai. Không phải Chu Thần không biết, nhưng sự thật vẫn là sự thật, làm sao Chu Thần có thể đổi trắng thay đen. Thế mới biết, chữ nghĩa thánh hiền đôi lúc cũng có hạn. Và mọi chuyện nào có dễ dàng. Đã hiểu Kinh Dịch thì không ai làm vậy. Ngay thẳng, cương nghị và nhu hòa là ba đức tính cần thiết trong việc lãnh đạo quốc gia của đấng quân vương. Có ngay thẳng tức là có chí công vô tư mới thực hiện được vương đạo, mới điều hòa được Tam tài, mới đại diện được Vũ trụ để nắm vững những nguyên lý căn bản của thiên nhiên. Có ngay thẳng mới mong giải quyết công bằng hợp lý mọi việc trong xã hội khiến nhân quần có một cuộc sống trật tự, ấm no và hạnh phúc. Nhưng chỉ ngay thẳng thôi chưa đủ. Tiếp thế xử vật lại cần phải có khi cương khi nhu. Cương nhu là hai đức tính cần thiết của bất cứ ai, nhất là đấng quân vương. Cương đối với kẻ hèn kém. Nhu đối với người cao minh. Tùy nghi sử dụng cương nhu, có thế mới gọi là khôn khéo. Cái khôn khéo của đấng quân vương là vậy, chớ đâu phải vì mình mà đưa dân tới bờ vực thẳm. Ở đời, ai không muốn ăn sung mặc sướng, ai không muốn lên ngựa xuống xe, nhưng ai cũng có quyền ấy, ai cũng cầu được, ước thấy thì sẽ tai hại cho nhà cho nước. Đấy là hậu quả của cái đạo tiểu nhân khác cái đạo quân tử mà Dịch Hệ hạ chủ trương khi giải thích tại sao Dương quái nhiều Âm, Âm quái lại nhiều Dương. “Dương nhất quân nhi nhị dân, quân tử chi đạo dã. Âm nhất quân nhi nhất dân, tiểu nhân chi đạo dã" (Dương là một quân mà hai dân, đó là đạo của người quân tử. Âm một quân mà một dân, đó là đạo của kẻ tiểu nhân).
    Nhưng chỉ có tam đức thôi cũng chưa đủ. Có tam đức rồi, đấng quân vương còn phải lo tới ngũ sự. Ngũ sự tức là dung mạo, lời nói, mắt trông, tai nghe, bụng nghĩ. Đây là năm việc cần thiết của đấng quân vương khi thế thiên hành đạo, mong theo được vương đạo, vương nghĩa, vương lộ.
    Mắt trông, tai nghe để quan sát sự vật. Quan sát phải tường tận, không được cẩu thả. Mắt trông, tai nghe rồi bụng nghĩ. Suy nghĩ chín chắn để giải quyết mọi vấn đề, không hề lầm lẫn, hư hỏng. Tin chắc ở ý nghĩ rồi mới phát biểu ra lời nói. Có thế mới gọi là "tam tư nhi hậu hành". Lời nói phải là lời vàng lời ngọc, nghĩa là lời nói phải theo lẽ, phải rõ ràng chứ không được mơ hồ, mờ ám. Đấng quân vương há lại không biết “Một lời nói có thể hưng bang, một lời nói có thể táng quốc” đó sao ? Cẩn trọng ở lời nói. Đứng đắn ở lời nói thì thái độ hẳn nghiêm chỉnh, dung mạo hẳn khiêm cung. Ai thấy cái dung mạo ấy, cái thái độ ấy mà chẳng kính qúi, tin yêu.
    Dùng đức trị dân, dân mới cảm mến mà tuân theo. Không tốn một giọt máu, không phí một giọt mồ hôi mà thiên hành hạ hiệu, bốn bể một nhà, quốc thái dân an, thế mới gọi là bậc thánh. "Kỳ duy thánh nhân hồ ? Tri tiến toái tồn vong nhi bất thất kỳ chính giả, kỳ duy thánh nhân hồ ?” (Duy chỉ có đấng thánh nhân như thế thôi sao ? Biết tiến, biết lui, biết còn, biết mất mà chẳng để mất chánh đạo, phải chăng chỉ có đấng thanh nhân mà thôi ?).
    Càng nghĩ, Nguyễn Công Trứ càng giận, càng buồn, nhưng rốt lại chẳng còn biết giận ai, buồn ai. Chữ nghĩa thánh hiền đã có, song học rồi hành lại càng khó hơn. Nhưng nghĩ cho cùng sửa mình là trọng. Từ vua đến dân nếu không nội tỉnh ngoại tu thì làm sao trở nên người đạo đức, sống trọn đời không rủi ro, không tội vạ. Nếu con người không tích cực làm ăn thì làm sao trở nên giàu có; không từ bỏ dục vọng, trác táng thì làm sao có thể khỏe mạnh, bình yên, sống lâu được. Và nếu mọi người tự biết bổn phận, khôn khéo mưu sinh, tìm cách tiến thủ, thì chẳng những tránh được lục cực mà còn hưởng được ngũ phúc một cách chắc chắn và lâu dài. Đức Khổng tử cũng đã có dạy: "Tự nhiên tự dĩ chí ư thứ nhân, nhất thí giai dĩ tu thân vi bản" (Từ đấng thiên tử cho đến kẻ thứ nhân, ai cũng đều phải lấy việc sửa mình làm gốc). Nhưng mà... Nguyễn Công Trứ lại thở dài, quờ tay cầm chiếc quạt nan, phất qua phất lại dưới cặp chân, rồi đập đập mấy cái vào ống quyển như muốn xua tan những ẩn ức, buồn thương...
    Mỗi thời mỗi khác, mỗi người mỗi khác, song trong cái riêng bao giờ cũng có cái chung. Nếu so sánh cùng mục đích, thì Ức Trai có nhiều điểm đáng để đời sau học tập hơn Chu Thần. Là cháu ngoại của nhà Trần. Được nhà Trần nuôi ăn học từ tấm bé, cơm của nhà Trần nuốt chưa khỏi cuống họng, nhưng để đối phó với giặc Minh cướp nước, Ức Trai không theo Giản Định đế Trần Ngỗi và Trùng Quang đế Trần Qúy Khoáng mà theo phò hào trưởng Lê Lợi ở Lam Sơn. Khi thoát khỏi tay Trương Phụ, Nguyễn Trãi từng tâm sự với Trần Nguyên Hãn:
    - Kể về thanh thế thì không chỉ có cuộc dấy binh của Giản Định, Trùng Quang mới gọi là lớn. Và không phải tôi không có ý theo phò. Ngặt vì khởi binh đánh giặc làm làm một việc lớn. Mà mưu việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm gốc, nên công to phải lấy nhân nghĩa làm đầu. Duy nhân nghĩa gồm đủ thì công việc mới thành được. Lẽ ấy, tôi không tìm thấy trong các cuộc khởi binh đánh giặc mà tôi biết. Ngay hai vị vương họ Trần, dẫu có danh tướng Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân hết lòng giúp đỡ, đã có lúc lấy được Nghệ An, Thuận Hóa, nhưng thiếu chiến sách và nội bộ chưa gì đã mất đoàn kết. Khôi phục cơ nghiệp nhà Trần cũng được, nhưng ngày nay không còn ai xứng đáng với tiên triều. Lòng dân đã không còn mong thì sự nghiệp lớn sao thành ?
    Nhà Trần trị vì thiên hạ 175 năm. Vài năm cuối, Trần Thuận Tông (1378-1398) làm vua được chục năm thì bị cha vợ là Hồ Qúy Ly sai người bức tử, rồi đến con trai là Trần Thiếu Đế lên ngôi được hai năm (1398-1400) bị ông ngoại (Hồ Quý Ly) cướp ngôi giáng làm Bảo Ninh Đại Vương, chứ chưa tai tiếng gì. Ngược lại nhà Lê, thì sau thời Hồng Đức đã hỏng. Lê Hiến Tông làm vua được bảy năm, Lê Túc Tông ngồi ngai vàng được sáu tháng. Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông, Lê Cung Hoàng... ai cũng bị giết sau khi ngồi ngôi vị chừng 5 – 6 năm. Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi và chia ra Nam triều (nhà Lê), Bắc triều (nhà Mạc). Nhưng nhà Lê nào được yên. Tháng 5 năm Ất Tỵ (1545), Nguyễn Kim bị một hàng tướng của nhà Mạc là Dương Chấp Nhất bỏ thuốc độc giết chết. Từ đó, tất cả quyền bính của Nam triều lọt hết vào tay con rể của Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm. Cục diện vua Lê chúa Trịnh bắt đầu xuất hiện và xu hướng chung là vị trí của vua Lê đã lu mờ lại càng bị lu mờ hơn. Vị vua cuối đời là Lê Chiêu Thống cũng đã phải gửi nắm xương trẻ nơi xứ người. Và nhà Lê cũng đã truyền ngôi những 360 năm chứ ít ỏi gì nữa. Thực ra, chỉ có 11 vị vua đầu nối nhau trị vì 100 năm, tuy mạnh yếu không đều nhau, nhưng nhìn chung, đó là những vị vua của thời cường thịnh. Và từ vị vua thứ 12 (Lê Trang Tông) trở đi, quyền lực ngày càng bị thu hẹp và cuối cùng chỉ còn là danh nghĩa tượng trưng. Đã biết "trong trời đất, mọi vật đều biến chuyển không ngừng có cái gì là tồn tại vĩnh viễn đâu, chiếc ngai vàng kia cũng là của chung thiên hạ ai có đức thì được, có phải riêng gì một họ ?", thì có gì phải "nhất quyết phất cờ khởi nghĩa" ?
    Đã là kẻ sĩ thì phải biết nhìn trước ngó sau, phải cân đong nặng nhẹ để xem nơi nào ta có thể gửi được chí mình, chớ không thể nhất thời nghe vài ba câu đầu môi chót lưỡi để không chỉ hại mình mà còn hại cả tông tổ, xóm làng. Tài như Trương Lương, Hàn Tín, thế mà kẻ thức thời phải đi tu, người không thức thời bị rã thịt làm mắm, huống hồ gì...
    Vô kế ưu thiên hoàn tự tiếu
    Khu khu văn mặc quả hà vi
    (Thơ của Bùi Dương Lịch – Huấn đạo thời Cảnh Hưng, nhà Lê)
    Tạm dịch:
    Cười mình không kế lo trời sập
    Bo bo sách vở được gì đâu.
    Bên ngoài, gió vẫn rao rao thì thầm cùng cây cỏ. Nguyễn Công Trứ rung đùi ngâm ngợi mà lòng xốn xang.
    Tiếng vạc lưng trời nhắc ông nhớ đến tuổi mình.
    Nguyễn Công Trứ ngả người xuống trường kỷ, và lại vắt tay lên trán ôn lại chuyện đời, dù ông có cố muốn quên đi.
    - Tướng công suy nghĩ hoài chuyện ấy làm gì. Tướng công thường nói việc gì đến sẽ đến...
    - Ta biết, nhưng nàng bảo làm sao ta có thể yên giấc được. Dân lành vốn vô tội.
    Thấy Nguyễn Công Trứ rưng rưng nước mắt, người hầu thiếp vỗ về:
    - Thiếp hiểu nỗi lòng tướng công – vừa nói, người vợ trẻ dìu ông nằm xuống, kéo tấm chăn đắp ngang người ông – Thôi, tướng công chợp mắt một chút cho khỏe. Chu Thần sẽ được người đời phong anh hùng đấy, không có sao đâu.
    Tưởng đâu giãi bày vậy, Nguyễn Công Trứ yên tâm dỗ giấc ngủ, ai ngờ ông lại ngồi bật dậy, nhìn người hầu thiếp trừng trừng.
    - Thế nào là anh hùng ? Thế nào là không anh hùng ? Anh hùng phần mình, còn thân tộc, xóm làng chết dở sống dở, vậy có đáng anh hùng không ?
    Người hầu thiếp lại đỡ ông nằm xuống, dỗ dành:
    - Thiếp xin lỗi. Tướng công hãy cố quên mọi việc để thấy đầu óc thảnh thơi hơn.
    - Cũng có thể... Cũng có thể... – Nguyễn Công Trứ lẩm bẩm và níu tay người hầu thiếp lại – Nàng đọc Kiều của Nguyễn Tiên Điền cho ta nghe.
    Người hầu thiếp sẽ sàng ngồi xuống bên ông, khẽ thưa:
    - Thiếp nghe mọi người truyền miệng rồi nhập tâm ít câu, chớ có đọc được bài bản như đọc thơ tướng công đâu.
    - Nàng cứ đọc đến đâu hay đến đó. Ta rất muốn nghe.
    Người hầu thiếp lấy giọng đọc:
    Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh,
    Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng.
    Có nhà viên ngoại họ Vương,
    Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung...
    Với giọng bổng trầm của đào hát, người thiếp trẻ cứ nghĩ mình đang hát ru và lấy làm mừng khi thấy cặp mắt của ông lim dim. Tuổi già hạt lệ như sương, nên thấy ông ăn ngủ được là nàng mừng. Ông còn sống ngày nào, nàng bớt cô quạnh ngày đó... Thấy ông thở đều, nàng định đi lo công việc, thì ông kéo tay nàng lại.
    - Nàng thấy chưa ? Thái bình là thế, ấy mà vẫn có những nỗi oan, vẫn có một Thúy Kiều mưới lăm năm lưu lạc, vẫn có một Từ Hải “gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo"... Vậy Từ Hải là anh hùng hay phản loạn ? Triều Minh còn đáng tồn tại để chăn dân ?
    Người hầu thiếp giật mình, té ra ông lim dim đôi mắt là nghe nàng đọc Kiều, chớ có ngủ nghê gì đâu. Nhíu mày suy nghĩ một hồi, nàng nói:
    - Chuyện triều ca thiếp không dám bàn. Nhưng Từ Hải là anh hùng, ít ra cũng anh hùng với Thúy Kiều, với những người đã toàn tâm toàn ý theo phò ông ta suốt một thời ngang dọc.
    Nguyễn Công Trứ trầm ngâm một lát, nói như muốn chỉ cho mỗi mình mình nghe.
    - Cũng có lý... Cũng có lý... – Nguyễn Công Trứ nhìn người hầu thiếp rồi nhìn ra bên ngoài, lẩm bẩm – Sinh vi tướng, tử vi thần. Ta mong Chu Thần sẽ là phúc thần trong lòng mọi người chớ không phải là ác thần. Nhưng...
    Nói đến đó, dường như Nguyễn Công Trứ đã trút được phần nào nỗi lòng của mình dành cho Chu Thần nên ông đã đi vào giấc ngủ dễ dàng.
    Người hầu thiếp cũng thở dài thương cảm, nhẹ nhàng bước xuống bếp lo công việc của thường ngày


DIZIKMI SƯU TẦM VÀ BIÊN SOẠN(CÒN NỮA).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét