Bí ẩn cuộc đời đại gia sở hữu 20.000 căn nhà ở Sài Gòn (11/03/2012)
Từng sở hữu hầu hết các căn nhà lớn nhỏ ở
những con phố thuộc khu vực trung tâm Sài Gòn vào thế kỷ trước. Người
đàn ông với đôi gánh hàng phế liệu đã trở thành một trong bốn người giàu
có nhất Việt Nam thời đó, nhưng cuộc đời của ông cũng là một bí ẩn cho
đến nay chưa có lời giải đáp.
Giàu lên từ đôi gánh phế liệu
Lịch
sử ghi nhận chú Hỏa (1845-1901) còn gọi là Hứa Bổn Hòa, Hui Bon Hoa,
Jean Baptiste Hui Bon Hoa, là một thương nhân, nổi tiếng nhất trong Tứ
đại phú hộ lừng danh nước Việt. "Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa"
(Huyện Sỹ - Lê Phát Đạt; Tổng đốc Phương - Đỗ Hữu Phương; Bá hộ Xường -
Lý Tường Quan và chú Hỏa - Hui Bon Hoa).
Theo
nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển: Chú Hỏa nổi tiếng không chỉ vì sự giàu
có mà còn phải kể đến tấm lòng không chỉ thu vén cho riêng mình mà còn
biết hướng tới cộng đồng của ông. Ông có nhiều đóng góp quan trọng trong
sự hình thành bộ mặt thành phố Sài Gòn trong thời gian này.
Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM là nơi gia đình chú Hỏa từng sinh sống
Ông
có gốc ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Tên khai sinh là Hứa Bổn Hòa (Hui
Bon Hoa). Tổ tiên ông di cư sang Việt Nam sau khi triều đình Mãn Thanh
tiêu diệt nhà Minh - được chúa Nguyễn cho định cư ở Nam Bộ từ thế kỷ 17.
Về
sự giàu có của chú Hỏa thì người Sài Gòn ngày trước còn có nhiều tranh
cãi. Nhưng có một điều chắc chắn là người đàn ông người Việt gốc Hoa này
đã khởi nghiệp từ nghề buôn bán phế liệu và lang thang với đôi quang
gánh trong nhiều trưa nắng gắt khắp các con phố Sài Gòn vào cuối thế kỷ
19. Nhiều người kể, có dịp vào nhà chú Hỏa lúc trước giải phóng đã nhìn
thấy đôi quang gánh đặt trong tủ kính, chưng giữa nhà như vật vừa trang
trí, vừa là kỷ niệm thuở hàn vi.
Những
giai thoại cho rằng, trong một lần thu mua phế liệu, chú Hỏa nhặt được
một túi vàng nằm trong chiếc ghế nệm cũ. Cũng có người lại tin rằng, ông
mua được một bức tượng đồng bên trong đầy vàng, rồi nhờ biết đọc chữ
Hán, nên mua trúng đồ từ thời nhà Minh, nhà Thanh và cả nhà Hán nữa rồi
số đồ cổ đó được ông bán đi lấy một số tiền lớn để tạo dựng sự nghiệp?
Nhưng, hầu hết các giai thoại này đều không đứng vững trước thời gian và
lịch sử.
Một
giả thuyết khác cho rằng chú Hỏa đã làm việc với một chủ người Pháp,
nhờ tính siêng năng lại thật thà nên ông chủ Pháp thương tình, giúp chú
vốn liếng mở tiệm cầm đồ và buôn bán. Các giai thoại trên đều mơ hồ
nhưng có một thực tế ít ai đề cập đến đó là ngoài sự cần mẫn làm ăn,
chịu khó, chú Hỏa còn có một đầu óc kinh doanh siêu hạng. Ông khởi
nghiệp từ đôi bàn tay trắng và nhờ khả năng ấy mà trở nên một đại gia
lừng lẫy nổi tiếng trong lịch sử nước nhà.
Tuy
nhiên có một giai thoại được xem là có cơ sở nhất trong những năm tháng
khởi nghiệp của chú Hỏa là việc chính quyền Pháp thời ấy có mở một cuộc
đấu giá thanh lý 20.000 máy truyền tin cũ, không còn giá trị sử dụng.
Các ông chủ thầu tại Sài Gòn thời ấy nghe đến thông tin này thì phì cười
bỏ qua.
Nhưng
là một người từng làm nghề mua bán phế liệu, chú Hỏa nhìn thấy món hời
lớn từ những chiếc máy truyền tưởng như vô dụng này. Không có một giá
trị nào đối với việc tái sản xuất, nhưng trước đó, chú Hỏa đã một lần
phân loại thành công vàng từ một chiếc máy truyền tin như vậy.
Vận
dụng tất cả những mối quan hệ, mượn tiền, vay vốn, ông cầm cố tất cả
tài sản để kiếm cho đủ số tiền mua trọn bộ 20 ngàn cái máy truyền tin
phế thải. Sau khi phân kim, chú Hỏa thu được một số lượng vàng khá lớn,
từ số tiền này và với tầm nhìn chiến lược của một nhà kinh doanh đại
tài, ông đã xây dựng nên sự nghiệp.
Trở thành "vua nhà đất"
Khi
có vàng, chú Hỏa chuyển sang kinh doanh nhà đất, bất động sản nhờ có óc
kinh doanh, đặc biệt là có tầm nhìn xa cả trăm năm, mà bây giờ, người
ta gọi đó là "đón đầu quy hoạch". Thời đó, khu chợ Bến Thành bây giờ chỉ
là một vũng lầy với con kênh; đất trống Sài Gòn, Gia Định thì giá rẻ
như bèo.
Bắt
được tin tức người Pháp có kế hoạch lấp vũng lầy và lấp con kênh để xây
một cái chợ mới, nằm sát ngôi chợ đã có gọi là Chợ Cũ ngày nay, chú Hỏa
"tung" tiền ra mua toàn bộ vùng đất vừa mới lấp. Một vụ giao dịch rất
táo bạo, vì thời đó, không có kiểu giao dịch bất động sản nào theo kiểu
này.
Sau
khi khu chợ mới xây xong, (ngày nay là Chợ Bến Thành-PV) thì trong tay
chú Hỏa có 20.000 căn nhà phố cho thuê. Trong số hàng nghìn căn nhà của
chú Hỏa có những công trình rất lớn còn tồn tại đến ngày nay, và không
hề bị lỗi thời như: Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Khách sạn Majestic, Bệnh
viện Từ Dũ, Trung tâm cấp cứu Sài Gòn... Bất động sản của ông còn là các
công trình nhà riêng, chùa chiền, bệnh viện khác, các công trình này
đóng góp một vai trò quan trọng trong việc hình thành bộ mặt thành phố
Sài Gòn.
Người
Sài Gòn xưa từng có câu truyền khẩu nổi tiếng "đi tàu chú Hỷ, ở nhà chú
Hỏa". Nếu như chú Hỷ là ông "vua tàu bè" có tàu Thông Hiệp chạy khắp
Nam Kỳ - Lục tỉnh lúc bấy giờ thì chú Hỏa là ông "vua nhà đất" với gia
sản là các căn nhà phố khắp khu vực Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn.
Nếu
tính giá trị ngày hôm nay của lượng bất động sản ấy thì sẽ là một con
số không thể tưởng tượng nổi. Khi có được vốn liếng, ông thành lập Công
ty Hui Bon Hoa và các con, cực thịnh vào khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế
kỷ 20, có những đóng góp rất quan trọng trong việc xây dựng thành phố
Sài Gòn.
Theo
nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển trong một tác phẩm của mình: "Hui Bon Hoa
có nhiều con cháu luôn luôn hòa thuận, gia tài giữ nguyên vẹn không
chia phần manh mún, chỉ cùng nhau chia lợi tức, và mỗi khi cần dùng số
tiền to tát thì người trong họ phải xin chữ ký của người trưởng huynh,
khi ấy ngân hàng mới phát bạc. Nhờ giữ gìn có phương pháp cho nên sự
nghiệp Hui Bon Hoa ngày càng đồ sộ thêm mãi, không sứt mẻ mảy may nào".
Dù
một phần lớn phố xá Sài Gòn thời ấy là của Công ty Hui Bon Hoa làm chủ,
nhưng công ty này được tiếng là "rất biết điều" và không bao giờ làm
khó người mướn phố. Lúc trở thành một đại gia danh tiếng, ông tự đặt tên
Pháp cho mình là Jean Baptiste Hui Bon Hoa.
Theo
các giai thoại, lúc sinh thời, nhờ sự giàu có của mình, nhà cầm quyền
người Pháp dù rất hách dịch với quan chức và nhân dân người Việt, nhưng
đối với chú Hỏa thì phải một mực cầu thân.
Nhưng
không chỉ nổi tiếng trong nước, bấy giờ, chú Hỏa còn lừng lẫy khắp Đông
Dương không chỉ bởi gia sản kếch sù mà còn bởi sự thức thời. Ông có hơn
10 người con thì hầu hết được cho đi du học tại các nước lớn như Anh,
Pháp, Đức, Nhật... Được biết, các con ông ai nấy đều học hành thành đạt,
mỗi người đều được nhập quốc tịch, được lưu lại làm việc ở nước sở tại.
Sau này, con cháu chú Hỏa hầu như đều đã ra nước ngoài sống.
Thậm
chí, sự nổi tiếng của chú Hỏa còn để lại cả những rắc rối sau này cho
những người không hề có liên quan đến ông. Chú Hỏa đã chết từ đầu thế kỷ
trước nhưng vẫn đứng tên trên giấy báo và hóa đơn tiền nước. Mặc cho
chủ nhà thay đổi qua nhiều đời nhưng hóa đơn tiền nước của một dãy phố
tại Chợ Lớn vẫn là tên người chủ đời đầu đã chết cách đây cả trăm năm.
Năm
2003, khi mua căn nhà ở đường Phan Văn Khỏe (phường 2, quận 6, TP.HCM),
bà L. tiếp tục sử dụng đồng hồ nước đã gắn tại đây từ lâu. Hàng tháng
bà sử dụng và đóng tiền đều đặn cho Công ty cấp nước. Năm 2007, bà L.
thấy mức nước tiêu thụ bỗng tăng vọt nên báo cho công ty đến kiểm tra.
Qua
kiểm tra, công ty phát hiện đồng hồ nước bà L. đang sử dụng do ông Hui
Bon Hoa đứng tên. Công ty cho rằng bà L. không thông báo, làm thủ tục
đổi tên trên danh bạ, điều chỉnh định mức nước cho đúng thực tế. Do đó,
công ty đã truy thu hơn 1.400 m³ nước với tổng cộng hơn... 7 triệu đồng.
Với
gia phong hết sức quy củ, sinh thời, chú Hỏa và con cháu sống trong một
tòa nhà tọa lạc tại số 97 đường Phó Đức Chính, quận 1, ngày nay là Bảo
tàng Mỹ thuật TP.HCM. Trải qua gần 100 năm mà vẫn sừng sững với dáng dấp
cổ kính, tĩnh lặng, âm u, càng làm cho những giai thoại về chú Hỏa trở
nên bí ẩn.
Lăng Nhu - ĐS&PL
(Nguồn: http://vtc.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét