Thứ bảy, ngày 25 tháng hai năm 2012
THỬ TÌM HIỂU NGUỒN GỐC ĐỊA DANH “THỊ XÃ CHÍ LINH”
Sông Lục Đầu Giang
Lần
theo sử sách thì địa danh Chí Linh được ghi chép đầu tiên là vào thế kỷ
XIII trong “Đại Việt sử ký toàn thư”. Lúc đó Chí Linh vốn chỉ là một
vùng đất bãi và được gọi là châu Chí Linh. Châu Chí Linh là đất
riêng của quan Trần Phó Duyệt, thân phụ Trần Khánh Dư. Đó là lý do khiến
khi Trần Khánh Dư “mắc khuyết điểm” và bị “thi hành kỷ luật” cách tuột
hết chức tước và tịch thu toàn bộ tài sản, ông chỉ còn cách trở về mảnh
đất cha ông này làm phó thường dân và hành nghề kiếm củi đốt than. Đời
sau có người làm thơ tái hiện cảnh đời đó của ông như sau:
Một gánh càn khôn quẩy tếch ngàn
Hỏi rằng chi đó gởi rằng than
Đói no miễn được đồng tiền tốt
Nhiều ít nài chi gốc củi tàn
Cũng muốn lửa hương cho trọn kiếp
Thử xem vàng đá có bền gan
Rắp mong muốn bỏ nghề nhem nhuốc
Lại sợ ngoài kia lắm kẻ hàn.
(?)
Mãi
đến trước cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ hai (1285), khi
vua Trần về dự hội nghị Bình Than thì vua tôi mới có cuộc gặp lại khá
cảm động. Đại Việt sử ký toàn thư chép đoạn ấy rằng: “Khi ấy thuyền của
vua đỗ ở bến Bình Than. Nước triều xuống, gió thổi mạnh, có một chiếc
thuyền lớn chở than gỗ, người lái thuyền đội nón lá, mặc áo ngắn, vua
chỉ và bảo quan thị thần rằng: “Người kia có phải là Nhân Huệ vương
không?”. Lập tức cho người cưỡi thuyền nhỏ đuổi theo, đến cửa Đại Than
thì kịp. Quân hiệu gọi rằng: “Ông lái kia, vua cho đòi nhà ngươi”. Khánh
Dư nói: “Ông già là người buôn bán, có việc gì mà gọi đến?”. Quân hiệu
về tâu thực như thế. Vua nói: “Đúng là Nhân Huệ vương rồi, nếu là người
thường tất không dám nói thế”. Vua lại sai nội thị đi gọi. Khánh Dư đến
nơi, mặc áo ngắn, đội nón lá. Vua nói: “Nam nhi cực khổ đến thế là cùng”
Xuống chiếu tha tội. Khánh Dư lên thuyền lạy tạ. Vua ban cho áo ngự,
thứ vị ngồi ở dưới các vương hầu, trên các công hầu. Cùng bàn việc công,
nhiều câu đúng ý vua. Đến đây, tháng 10, lại cho Khánh Dư làm phó tướng
quân”.
Châu
Chí Linh chính là vùng đất của tổng Cổ Châu sau này. Cổ Châu chắc chỉ
có nghĩa là vùng đất bãi cổ. Tại đây cũng còn một làng mang tên gọi là
làng Chí Linh. Thời nhà Minh đô hộ nước ta (đầu thế kỷ XV) có xây dựng
trên núi Phao Sơn một thành lớn. Có lẽ vì thành xây trên đất của châu
Chí Linh nên mới gọi là thành Chí Linh. Trong Quân trung từ mệnh
tập của Nguyễn Trãi thành Chí Linh còn được gọi là thành Đại Than. (Đại
Than ở đây cũng chỉ có nghĩa là bãi lớn ven sông). Thành Chí Linh vừa là
một căn cứ quân sự nhưng đồng thời cũng là một trung tâm hành chính
trong vùng. Có lẽ từ chức năng hành chính của thành này mà Chí Linh đã
tự nhiên trở thành tên huyện Chí Linh chăng?
Đến
những đời sau khi tên huyện Chí Linh đã được chính thức hóa thì người
ta lại chỉ gọi thành Chí Linh xưa là “thành Phao” thôi:
Ai đưa tôi đến chốn này
Bên kia Phả Lại, bên này thành Phao.
(Ca dao)
Có
một điều lạ mà cũng khá thú vị là Phả Lại vốn chỉ là tên của trái núi
bên kia sông thuộc huyện Quế Dương tỉnh Bắc Ninh. Thế mà không biết từ
bao giờ nó nhảy tót qua sông vồ gọn và nuốt sống Thành Phao để trở
thành thị trấn Phả Lại. Những cái tên thành Chí Linh, thành Phao rồi
Phao Sơn chỉ còn lại trong ký ức và trong sử sách. Riêng tên Chí Linh
thì từ tên một châu, thành tên một thành, rồi thành tên một huyện. Hiện
nay thì đã trở thành tên thị xã Chí Linh. Có nhiều khả
năng trong tương lai nó sẽ trở thành tên của một thành phố. Chí Linh quả
là một tên “rất thiêng” dồi dào sức sống và tiềm năng phát triển vậy.
26/2/2012
Đỗ Đình Tuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét